Phần 2: Một cái nhìn mới về Tâm thức Con người


Chia sẻ:

Chương 1 của quyển Luân xa và Các Trường Năng lượng của Con người. Bài do Mai Oanh dịch.

*****************************************

1. Một cái nhìn mới về Bản chất con người

I. Bình Minh của Một Tâm thức mới

Ngày nay, những luồng gió mới đổi thay đang lướt qua thế giới của chúng ta, thổi bay đi những định kiến cũ, gây ra những xáo trộn cho sự ổn định của các định chế và sự bền bỉ của những “chân lý” lâu nay vẫn được coi là điều hiển nhiên. Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang trải qua một thời kỳ với những khám phá và thành tựu mới của loài người. Nhiều người đang kinh ngạc với tốc độ thay đổi, sợ rằng chúng ta sẽ không thể kiểm soát được những kỹ thuật và khám phá chưa từng có đang mở ra tầm hiểu biết mới mẻ về thế giới tự nhiên; một số khác sẵn sàng chào đón những thách thức. Nhưng tất cả đều nhận ra rằng hình ảnh thế giới của chúng ta sẽ thay đổi đáng kể trong những thập kỷ tới.

Chúng ta đang vượt qua các giới hạn của không gian bên ngoài và phía trên hành tinh của chúng ta, và đang khảo sát những khoảng không gian vi tế bên trong vật chất hồng trần. Trên nhiều góc độ, cả hai thành tựu này đã đưa chúng ta lên tới những tầm mức mới về không-thời gian với những dòng năng lượng cho đến nay chưa từng được biết. Sẽ là đáng ghi nhận nếu thực tế khủng khiếp về cuộc sống thế kỷ hai mươi trong đó hình ảnh khoa học truyền thống về một thế giới vật chất đậm đặc bị biến mất, thay vào đó là một vũ trụ vận hành bởi những nguồn năng lượng diệu kỳ. Trong những năm đầu tiên kể từ thành tựu phân tách nguyên tử được ghi nhận, chúng ta đã khám phá ra rằng tổ chức và hoạt động của thế giới nguyên tử là ổn định và bền bỉ, do đó tạo cho vũ trụ một dạng thức cố định, nhưng năng lượng trong thế giới này đang chuyển động với tốc độ khó tin. Sự hiểu biết mới này về vũ trụ như là một mô hình ổn định, trong đó các dòng năng lượng khổng lồ di chuyển vào và ra đòi hỏi một sự thay đổi trong cách nhìn nhận thế giới của chúng ta – một khái niệm hoàn toàn khác về thực tính so với những hiểu biết được phát triển từ khoa học duy vật thế kỷ mười chín.

Cho đến nay, con người chúng ta đã theo đuổi các trò chơi chiến tranh và hòa bình với niềm tin sâu sắc rằng chúng ta có thể kiểm soát sự thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống chỉ bằng cách điều khiển môi trường sống: công nghệ ứng dụng sẽ tạo ra một xã hội hoàn hảo. Nhưng chúng ta đã nhận ra một điều đáng buồn rằng dường như các yếu tố con người không thể kiểm soát được mới thực sự thống trị thế giới. Chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng những khía cạnh tinh vi hơn của cuộc sống—không thể đoán trước, khó xác định, không thể đo lường—điều khiển hành vi của con người. Và giờ đây, vượt khỏi phạm vi thuần túy loài người tới toàn bộ giới tự nhiên mà chúng ta là một phần, chúng ta hiểu rằng cuộc sống là một mối quan hệ vô cùng phức tạp giữa cá nhân và môi trường, và môi trường ở đây không chỉ giới hạn ở Trái Đất mà là toàn thể vũ trụ.

Nhận thức ngày càng rõ hơn về mối tương quan của tất cả thực thể sống mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, với mục đích của mình, chúng ta chỉ tập trung vào một thực tế rằng việc trao đổi năng lượng liên tục giữa cá nhân và môi trường mà mọi hệ sinh thái (dù là của con người, động vật, thực vật, hay ngay cả hóa học) đều vận hành theo cách tự tổ chức. Sự trao đổi năng lượng này liên tục và không thể thiếu được đối với tất cả các sinh vật sống do đó có thể được coi là một hiệu ứng trường vũ trụ. Chúng ta sẽ bàn tới vấn đề này kỹ hơn trong phần Trường và các Luân Xa. Nhưng ở đây chúng ta lưu ý rằng sự tự điều chỉnh trong tự nhiên đã đạt được từ bên trong, không phải do yếu tố bên ngoài áp đặt, và điều đó hàm ý một mức độ kiểm soát có ý thức, ngay cả khi ý thức trong bối cảnh này rất khác với những gì chúng ta trải nghiệm ở cấp độ con người. Nhà vật lý học Erich Jantsch đã viết trong cuốn Vũ trụ Tự tổ chức, “Nếu ý thức được định nghĩa là mức độ tự chủ mà một hệ thống, ngay cả những hệ thống đơn giản nhất, đạt được trong các mối quan hệ năng động với môi trường của nó … thì những hệ thống như các cấu trúc phân bổ hóa học cũng mang một hình thức ban đầu của ý thức” (Trang 40). Vai trò của ý thức tồn tại khắp mọi nơi ở mọi cấp độ tổ chức là một định đề quan trọng của nghiên cứu được ghi lại trong cuốn sách này.

Những hàm ý của mô hình mới này chưa được đo lường. Sự sống là gì và trở thành một sinh vật sống hoàn thiện, khỏe mạnh, có chức năng mang ý nghĩa gì, giờ đây được coi là một quá trình đa chiều, liên quan đến sự cân bằng tinh vi và năng động của nhiều hệ năng lượng và nhiều tầm mức tích hợp. Trong danh sách này, chúng ta bổ sung thêm: nhiều cấp độ tâm thức, ngay cả trong chính cơ thể vật lý, mà mỗi hệ thống “biết” chức năng của chính nó. Hơn nữa, những mức độ tồn tại tinh tế hơn này là phổ quát (ít nhất là cho đến nay xét tới trái đất), vì những năng lượng liên quan cũng là một phần của hiện hữu giống như lực hấp dẫn hoặc điện từ. Không có hạt sống nào có thể thoát khỏi quy luật này. Vì vậy, chúng ta đã vượt ra ngoài cách giải thích hoàn toàn mang tính cơ học về sự sống.

Khái niệm về từ trường được giới thiệu cho mọi học sinh trong trường học thông qua những thực nghiệm chứng minh rằng khi dòng điện đi qua một dây dẫn nó tạo ra một từ trường. Các hiện tượng vật lý khác cũng dễ dàng được chứng minh, mặc dù việc khám phá ra trường hạt nhân đòi hỏi nhiều thiết bị phức tạp hơn. Nhưng khi chúng ta thừa nhận sự sống vũ trụ hay một trường thiết yếu (như chúng ta đang thực hiện qua cuốn sách này), điều này khó có thể chứng minh một cách hữu hình, vì chưa có phương tiện khoa học nào có thể chứng minh sự hiện diện của một trường như vậy. Tuy nhiên “sự sống”, dù chưa được xác định, là có thật, và thực thể sống (như những hệ thống mở) có những đặc điểm cụ thể mà các hợp chất vô cơ không có. Điều quan trọng nhất ở đây là khả năng tái tạo năng lượng (cái mà chúng ta gọi là sinh lực) mà không cần tác động từ bên ngoài, một điều không có máy móc nào có thể thực hiện.

Khái niệm trái đất được nhúng trong một loạt trường vũ trụ được mở rộng ở đây, bao gồm không chỉ năng lượng sống (mà những tác động của chúng đối với các quá trình vật lý như hệ thống miễn dịch vẫn chưa thể được đo lường,) mà còn có thể là tâm trí và cảm xúc, và chúng ta chấp nhận chúng như những yếu tố đồng hành trong cuộc sống. Tất cả các sinh vật sống thể hiện sự lựa chọn (thích và không thích) cũng như ý nguyện; Cuộc sống là một quá trình học tập, và tiến hóa ngụ ý một sự tăng trưởng trong kiến thức được tiếp thu.

Quá trình này tăng lên rất nhanh ở con người. Nhưng trong chúng ta việc tiếp nhận tri thức trở nên quan trọng hơn, vì nó liên quan đến việc sử dụng tri thức đó. Sự tự hiểu biết và giá trị năng lực tinh thần con người đã trở nên thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta.

Trong quan điểm mới về sự sống của loài người, nguồn lực nội tại của con người được thể hiện không chỉ trong các hệ thống vật lý của thể mà còn là một quá trình tái tạo sinh khí và một nguồn năng lượng cao hơn hầu như chưa được khai thác tạo nên sự hài hòa và tích hợp tâm trí và cảm xúc với cơ thể vật lý, nhờ đó tăng cường sự sống.

Một số gợi ý là gì?

Khi con người càng ngày càng nhận thức được thể là một công cụ mà bản thể sử dụng cho các mục đích của nó (dù là tốt hay xấu, xây dựng hay phá hủy), sự phát triển tự nhận thức này sẽ tạo ra những làn sóng không ngừng nghỉ, như những làn sóng đang quét qua loài người và các quốc gia ngày nay. Tự do biểu hiện là tiêu chí của cuộc sống hiện đại. Mặc dù một số kết quả của hiện tượng này mang tính tiêu cực, thậm chí phá hoại, nó báo hiệu rằng sự thức tỉnh đang khiến con người đi sâu tìm kiếm và khám phá những phạm vi kinh nghiệm rộng lớn hơn cũng như các khía cạnh phức tạp hơn trong bản chất của chính mình.

Một số khía cạnh của sự phát triển mới này—chẳng hạn như đạo đức trong lĩnh vực nghiên cứu y học và sinh hóa gần đây—đã trở thành những vấn đề gây tranh cãi; Những người khác, đặc biệt là những người khám phá các lĩnh vực năng lượng cao hơn, thường không được chấp nhận. Tất cả những điều này đầy hứa hẹn về tầm hiểu biết đang rộng mở của con người, nhưng chúng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ. Toàn bộ các lĩnh vực khám phá mới về vũ trụ không hề có nhiều chỉ dẫn rõ ràng và các tiêu chí đáng tin. Do đó, tri thức là điều cần thiết, để chúng ta không bị lạc lối vào những niềm tin phi lý, hoặc chấp nhận các kết luận không rõ ràng trên cơ sở các bằng chứng không đầy đủ.

Theo quan điểm của chúng tôi, cần có một nghiên cứu cẩn thận về định đề rằng con người là một thực thể thông minh, có ý thức, hoạt động đồng thời trên nhiều cấp độ phức tạp—thể chất, sinh lực, cảm xúc và trí tuệ—và tương tác liên tục với các nguồn năng lượng vũ trụ của tự nhiên. Trên tất cả, có một tầm mức bản thể thực tính sâu sắc hơn, đó là linh hồn, với tất cả các phẩm tính của nó về ý định, tích hợp, sáng tạo, từ bi, cái nhìn sâu sắc và cao nhất là nhận thức tinh thần.

Học thuyết này không hề mới mẻ, vì nó là một phần của truyền thống nội môn cho vô số thế hệ, cả phương Đông và phương Tây. Cái mới là nỗ lực để ghép quan điểm bí truyền này với khối lượng khổng lồ những kiến thức đương đại, để phát triển một trường phái khoa học thực sự về bản thể. Nếu thành công, nỗ lực này có thể cung cấp cho chúng ta ý niệm, công cụ và động lực để thực hiện bước nhảy vọt trong sự hiểu biết của chúng ta về bản chất con người và phạm vi năng lực của con người.

II. Phá vỡ Rào cản của các Giác quan

Trong suốt cuộc hành trình tiến hóa lâu dài của sự sống trên hành tinh này, các dạng thức sống đã phát triển trong những giới hạn nhỏ bé mà tự nhiên đã định ra. Giống như con sâu bướm quấn trong kén của nó, kinh nghiệm của con người bị bó hẹp trong phạm vi của năm giác quan. Con người nhận thức và diễn giải các vấn đề chỉ trong phạm vi môi trường vật lý mà người ta hiểu biết, hầu như không ý thức về sự hiện diện của các chiều đo khác của thực tại quanh mình. Điều này đặc biệt đúng với con người hiện đại.

Nhưng giờ đây chúng ta nhận ra rằng thế giới được nhận biết không hề chỉ là những kinh nghiệm “bề nổi”, và thực ra các giác quan của chúng ta chỉ mang lại ấn tượng cho chúng ta về những gì trí tuệ /não bộ diễn giải theo cái nhìn nội tại của chính nó. Hơn thế nữa, ranh giới hạn hẹp của thế giới được nhận thức đang sụp đổ, vì kiến thức của chúng ta ngày càng mở rộng để bao gồm thế giới lượng tử cũng như thông tin tác động tới chúng ta từ không gian bên ngoài. Khả năng mở rộng sự hiểu biết đối với các lĩnh vực chúng ta chưa từng biết tới do sự hạn chế của các giác quan đang mở ra một thế giới bao la—một thế giới không hề cách xa, giờ đây được nhìn thấy ở ngay quanh chúng ta, và thậm chí là một phần của chính chúng ta.

Khi chúng ta tìm cách khám phá thế giới nhận thức tế vi hơn, có một số câu hỏi nảy sinh. Bộ máy nhận thức thế giới ẩn giấu nằm ngoài tầm với của giác quan là gì? Chúng ta có thể phát triển năng lực và sử dụng nó một cách sáng tạo và tích cực hay không?

Ở giai đoạn này của quá trình nghiên cứu, chúng ta đang như những người mù trong câu chuyện ngụ ngôn, mỗi người cố gắng tả con voi theo nhận thức mà người đó có được chỉ về một phần thể con voi. Tương tự như vậy, ở một làng trăm người, nếu chín mươi tám người bị mù màu, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được cư dân ở đây rất hoài nghi về những mô tả của hai người bình thường, những người đã nhận biết đầy đủ các sắc màu phong phú. Trên thực tế, họ có thể chắc chắn rằng hai người này là những người tưởng tượng hão huyền, hoặc chỉ dựng chuyện để kể, hoặc bị ảo giác. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian 20 phần trăm cư dân bắt đầu nhìn thấy toàn bộ các sắc màu, những người còn lại có thể bắt đầu thừa nhận khả năng việc đa sắc màu có thể tồn tại, mặc dù vượt quá nhận thức của chính họ. Câu chuyện này hoàn toàn tương tự như tình trạng hiện tại về việc nhìn nhận vấn đề ngoại cảm.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc mạo hiểm to lớn tiếp theo cho nhân loại sẽ diễn ra trong lĩnh vực tâm thức, và một loạt các vấn đề chưa được khám phá đang chờ đón chúng ta. Những điều này đặt ra nhiều câu hỏi chưa hề có lời giải đáp. Ranh giới của bản ngã là gì? Bản ngã và môi trường bắt đầu và kết thúc ở đâu? Chúng ta có thể phát triển các cơ chế đáng tin cậy để khám phá những mối tương quan tinh vi này hay không?

Cũng giống như năm giác quan vật lý cho phép chúng ta tiếp cận một phạm vi nhất định của thực tại vật chất, các giác quan cao hơn cho phép chúng ta nhận thức được các yếu tố của thế giới siêu linh. Nhận thức giác quan cao hơn bao gồm thông nhãn, có nghĩa là “nhìn thấy rõ ràng”, và thường mang ý nghĩa khả năng nhận thức trường sinh lực và/hoặc cảm xúc. Những nhận thức này dường như vừa rất mới vừa lạ thường (vì ít ai được trải nghiệm), do vậy các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu ngày nay chưa bao giờ nỗ lực tìm cách khám phá và hiểu rõ cơ chế tồn tại của những hiện tượng đó. Trong một nền văn hoá gắn liền với phương pháp khoa học, việc thiếu quan tâm tới vấn đề này dường như xuất phát từ định kiến sâu xa hay những quan niệm sai lầm.

Các nhà khoa học giữ quan điểm cho rằng việc có thể nhận thức các trạng thái của vật chất tinh vi hơn vật chất cõi trần nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của họ. Vì lý do này, các công trình nghiên cứu công phu của nhà tâm lý J.B. Rhine trong lĩnh vực thần giao cách cảm và thông nhãn ít tạo ra ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học. Nhưng các nhà vật lý lượng tử đang nghiên cứu xác suất và những yếu tố không xác định được, những thứ khác xa với cái gọi là thực tế của thế giới vật lý trọng trược của chúng ta và chỉ có thể được quan sát qua các hiệu ứng của chúng. Nếu mở rộng phạm vi nghiên cứu vào các khía cạnh tinh vi hơn của thế giới, liệu chúng ta có thể thấy các chiều đo này cũng vô cùng hợp lý, cũng đáng để nghiên cứu và cũng có thể hiểu được giống như thế giới phức tạp và mơ hồ của thế giới lượng tử hay không?

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đang tiến triển trong lĩnh vực này, sử dụng chính con người như đối tượng cảm biết, ví dụ phương pháp thực hành chữa bệnh Therapeutic Touch – chữa bệnh bằng trường năng lượng. Những người nhạy cảm có thể quan sát sự tương tác của thể sinh lực, cảm xúc và thể trí, cho rằng những tương tác này hoàn toàn không thuộc phạm vi tác động chủ quan thuần túy. Tuy nhiên, các quan sát của những người này không giống nhau về góc nhìn, phạm vi và mức độ rõ ràng. Một số người trong số đó chỉ thấy được thể dĩ thái, hay thể sinh lực; Một số khác thấy cả trường năng lượng cũng như trung tâm sinh lực (luân xa) là yếu tố then chốt trong bản thể tạo nên sự khác biệt của mỗi con người, với tư cách là một phàm ngã riêng biệt, hay một cấu phần của cả loài người. Một số người có nhãn thông nhìn thấy thể vía hay thể cảm dục, mà không thấy thể dĩ thái. Những nhà tâm linh như vậy thường không thấy được các luân xa trong trường cảm xúc trừ khi họ đã được huấn luyện để thực hiện điều này, hoặc có năng lực đặc biệt. Thể trí và các trung tâm lực của thể này chỉ được nhìn thấy bởi những người có năng lực nhãn thông đặc biệt. Cho đến nay, các bước đột phá ở các mức độ thực tính này đã gây ra không ít nghi ngại và hiểu nhầm. Kết quả là thế giới ngập trong vô số các tài liệu “tâm linh” có chất lượng và độ xác đáng rất khác nhau, tất cả đều tuyên bố cung cấp thông tin chính xác về mức độ siêu cảm của kinh nghiệm con người. Thật không may, nhiều người chán nản và thất vọng với thế giới ngày nay và sự thiếu vắng những giá trị đích thực, đã chấp nhận các vấn đề này không một chút hoài nghi. Những con người nhiệt thành đó thường lao vào những trải nghiệm cá nhân mà không quan tâm đến những rủi ro có thể gặp phải khi bước vào lĩnh vực mới chưa từng kinh qua trong khi rất thiếu hiểu biết và những chuẩn bị cần thiết trước. Giống như một đứa trẻ tập đi, hay một loài vật tập bay, để thành thạo phải được tập luyện và phát triển dần dần. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, kiên nhẫn và vô vàn nỗ lực, hơn rất nhiều những gì mà những ai đang háo hức trải nghiệm một cảm nhận mới gắng sức bỏ ra. Vì vậy, sự quan tâm đến cái gọi là thế giới tâm linh thường trở thành một nỗ lực giải thoát khỏi những giới hạn của cuộc sống hàng ngày hơn là một sự kiếm tìm nghiêm túc những kiến ​​thức mới.

Thực tế này không làm thay đổi sự thực là nhiều người ngày nay đang thể hiện các mức độ khác nhau về ngoại cảm, bao gồm khả năng thông nhãn, thông nhĩ, tiên đoán, thần giao cách cảm, trắc tâm, cảm xạ và chữa bệnh. Có vẻ như các năng lực này đang nổi lên mạnh mẽ, và trong tương lai có thể trở thành một phần bình thường của ý thức con người. Nếu chúng ta chấp nhận khái niệm đã đề cập ở trên, rằng tiến hóa là một quá trình thu thập kiến thức, chúng ta nhận ra rằng các hệ thống sống đang liên tục phát triển năng lực mới để đáp ứng đầy sáng tạo với môi trường của chúng. Nếu đúng như vậy, tại sao con người không bắt đầu mở rộng nhận thức của họ đến mức siêu cảm, và phát triển khả năng khám phá bao quát đa chiều về thực tại?

Yêu cầu đầu tiên cho sự phát triển nhận thức cao hơn là chấp nhận thế giới siêu cảm không được mở ra một cách “huyền diệu”, mà được điều chỉnh bởi các quy luật tự nhiên, cũng nghiêm ngặt như những quy luật điều chỉnh thế giới vật lý. Nếu biết đến chúng, chúng ta phải xác định chính xác hơn các phạm vi nhận thức siêu cảm; các nguồn năng lượng liên quan và mối quan hệ của chúng với sức khoẻ và bệnh tật của cơ thể vật lý; ảnh hưởng của hành vi; vai trò của thể trí và hình tư tưởng, ý định và động cơ; và nhiều hơn thế nữa. Vì có nhiều loại nhận thức về ngoại cảm và vì mọi quan sát đều được lọc qua trí của chủ thể nhận thức, chúng ta cũng phải xác định mức độ “ảnh hưởng của người quan sát ” trong nghiên cứu nhãn thông, và xây dựng một hệ thống kiểm tra và đánh giá, cũng như những thuật ngữ phổ biến . Đây chỉ là một vài trong vô số yêu cầu nếu chúng ta mong muốn nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện, đặc biệt khi những nghiên cứu này dựa trên những hiểu biết của con người.

Cho đến nay, y học đã quan tâm đến các vấn đề của thể xác, và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mặc dù cơ chế chữa lành bệnh vẫn là câu hỏi đầy bí ẩn. Ngày nay, khả năng xử lý những căn bệnh phức tạp đã được tăng cường mạnh mẽ thông qua việc phát triển các phương tiện nhận biết khoa học, cho phép quan sát thể từ nhiều góc độ khác nhau. Tinh thể hồng ngoại và tinh thể lỏng cho gam màu nóng được gọi là nhiệt đồ; Dụng cụ y tế mới nhất sử dụng siêu âm và cộng hưởng từ hạt nhân cho chúng ta các kích thước và mô hình khác. Ở một mức độ cơ bản hơn về thể vật chất, chúng ta đang dần quen với cách nghĩ bản thân chúng ta như một tổng hòa các hệ thống, các quá trình và các mô hình năng lượng chứ không phải là vật chất đậm đặc thuần túy.

Một số người nhạy cảm có thể quan sát sự tương tác của sinh lực với các diễn trình cảm xúc và trí tuệthể loại bỏ những tương tác này khỏi phạm vi thuần túy mang tính chủ quan bằng cách hành động như những “cảm biến” con người. Tuy nhiên, những quan sát của những người có năng lực đặc biệt như vậy khác nhau rất nhiều về độ tin cậy, sự rõ ràng, chính xác, và khả năng ứng dụng trong điều kiện vật lý. Cho dù như vậy, chúng ta phải kiên trì, vì lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng.

Có lẽ kết luận quan trọng nhất xuất phát từ một nghiên cứu về sự mở rộng của nhận thức vật lý, một điều thể hiện rõ qua khả năng thấu thị, đó là bộ não vật lý không phải là đối tượng tạo ra ý thức, mà thực chất là công cụ của ý thức. Sự chấp nhận khái niệm này sẽ có những tác động sâu rộng đến cách thức con người quan sát chính mình, và thế giới chúng ta đang sống. Ở mức độ tiến hóa hiện nay của loài người, thế giới của năm giác quan là môi trường an toàn và quen thuộc của chúng ta, một môi trường học tập dường như đặt ra những giới hạn cho kinh nghiệm của con người. Không thể nhận thức được khả năng trải nghiệm những gì vượt ra ngoài thế giới vật lý, chúng ta chỉ thoáng thấy được chúng thông qua nghệ thuật hoặc thông qua chứng nghiệm ​​của các nhà thần bí, các vị thánh hay các nhà tiên tri. Nhưng giờ đây khoa học cũng đã bắt đầu thăm dò một số khía cạnh của thế giới rộng lớn hơn này. Ngày càng có nhiều khám phá kỳ lạ và những lý thuyết gây sốc về bản chất của vũ trụ của chúng ta. Vì hiện nay có khá nhiều người được tự mình trải nghiệm ít nhiều về lĩnh vực siêu cảm, liệu chúng ta có nên cố gắng hết sức để xem xét nghiêm túc những kinh nghiệm này hay không?

Chúng tôi hy vọng rằng tư liệu trong cuốn sách này sẽ hữu ích trong việc đề xuất một số nguyên lý chi phối các chiều đo tinh tế của thế giới mà chúng ta đều chia sẻ bình đẳng trong đó, mặc dù một cách vô thức. Chúng là một phần của một tổng thể lớn hơn, không chỉ bao gồm trái đất vật lý với lịch sử trong quá khứ và khả năng trong tương lai của nó, mà còn bao gồm suy nghĩ và cảm xúc, sai sót và thành tựu, cái nhìn sâu sắc và trực giác của tất cả thực thể tồn tại trong mình.

1499 — Tổng số lần đọc 5 — Hôm nay

Chia sẻ: