Từ “Tiếng Nói Vô Thinh” đến “Thư về Tham Thiền Huyền Môn”


Chia sẻ:

TừTiếng Nói Vô Thinh” đến “Thư Về Tham Thiền Huyền Môn

Quyển Tiếng Nói Vô Thinh (The Voice of the Silence)—hay “Tiếng Nói của Im Lặng”—được xem là một trong ba quyển sách quí nhất của Hội Thông Thiên Học: quyển Dưới Chân Thầy của Krishnamurti, quyển Tiếng Nói Vô Thinh của bà H.P. Blavatsky, và quyển Ánh Sáng Trên Đường Đạo (Light on the Path).

Bìa quyển Tiếng Nói Vô Thinh

Bìa quyển Tiếng Nói Vô Thinh

 

Bà Blavatsky viết quyển Tiếng Nói Vô Thinh năm 1889, hai năm trước khi bà mất. Đây có thể xem như là cẩm nang về tham thiền dành cho những người học đạo trong hội Thông Thiên Học vào thời đó. Các quyển sách khác của bà—như Giáo Lý Bí Nhiệm (the Secret Doctrine), The Key to Theosophy, Isis Unveileled…—có thể xem là phần lý thuyết dạy về huyền linh học (vũ trụcon người), nhưng quyển Tiếng Nói Vô Thinh và các tài liệu bà viết riêng cho học viên của Bộ Phận Bí Giáo (Esoteric Section) là những giáo huấn thực tiển, dạy về thực hành (Practical Occultism). Quyển The Voice of The Silence là quyển sách gồm ba phần nhỏ: The Voice of The Silence, The Two Paths, The Seven Portals, là ba tài liệu trong số 90 tiểu luận nhỏ của bộ sách “The Golden Prcepts” (“Kim Huấn Thư”) được lưu giữ trong các chùa cổ ở Tây Tạng, và được bà dịch sang Anh Ngữ vào năm 1889. Đây là lời bà viết về quyển sách Tiếng Nói Vô Thinh:

“Những trang sau đây trích ở “Kim huấn thư”, một trong những sách phát cho các sinh viên Thần bí học ở phương Đông. Tất cả sinh viên đều phải học những giáo lý này, và nhiều nhà Thông Thiên Học đã chấp nhận những giáo huấn ấy. Vì tôi thuộc lòng rất nhiều giáo huấn đó, nên tôi phiên dịch dễ dàng.

Một điều mà ai cũng biết là ở Ấn Ðộ, những phương pháp để phát triển tâm linh của các vị Guru (đạo sư) đều khác nhau, chẳng những do các Ngài khác học phái – có tất cả sáu học phái khác nhau – mà còn vì mỗi Guru có một phương pháp riêng, nên thường thường người giữ rất kín. Tuy nhiên, ở phía bên kia Hy mã lạp sơn (1), phương pháp của các Trường Huyền bí học không thay đổi, ngoại trừ khi nào vị Guru chỉ là một Lạt ma thường không biết gì hơn những kẻ thọ giáo.

Quyển sách mà tôi do theo để dịch đây thuộc về một bộ sách, trong đó tôi cũng rút lấy những đoạn của “Kinh Dzyan” dùng làm căn bản để viết bộ “Giáo lý bí truyền”. “Kim huấn thư” cũng chung một nguồn gốc với quyển Paramartha, theo truyền kỳ thì quyển này vốn của các vị Nàga hay là “Rắn” (danh hiệu của các điểm đạo đồ thời xưa) truyền lại cho vị La Hán vĩ đại Nagarjuna (Long Thụ) … Kinh sách của riêng Ðức Aryasanga (Arya Asanga) để lại cũng rất nhiều (2).

Nguyên bản của “Kim Huấn Thư” khắc trong những hình chữ nhật, mỏng, còn những bản sao thường khắc trên những đĩa tròn. Thường người ta cất những đĩa hay là bản sao đó trên bàn thờ của những đền chùa trực thuộc những trung tâm có trường dạy “Thiền quán” của Tông phái Đại thừa Yogacharya (Du Già). Những bản đó viết theo nhiều cách khác nhau, đôi khi bằng chữ Tây Tạng, nhưng phần nhiều là bằng chữ tượng hình. Thứ tiếng của tăng lữ dùng (senzar) (3), ngoài bộ mẫu tự riêng của nó, có thể viết ra bằng nhiều lối chữ bí mật, và theo lối tượng hình văn tự hơn là theo lối phiên âm…

Kim huấn thư gồm có 90 quyển khái luận nhỏ và riêng biệt nhau, trong đó vài quyển đã có trước thời kỳ Phật giáo ra đời. Tôi học thuộc lòng 39 quyển từ nhiều năm qua. Muốn dịch mấy quyển kia tôi phải nhờ đến bút ký để rải rác trong vô số giấy tờ, và những bút ký thu thập chưa sắp xếp lại trong hai mươi năm chót, như thế công việc không phải dễ. Hơn nữa, không thể nào đem ra dịch hết cùng trao truyền tất cả cho một thế giới quá ích kỷ và quá mê trần, chưa chuẩn bị chút nào để xứng đáng thọ lãnh một luân lý cao siêu như thế. Bởi vì chỉ có người nào thành thật bền chí theo đuổi sự tự tri mới sẵn lòng để tai nghe những lời khuyên bảo có tính cách như thế.

Bởi thế chúng tôi nghĩ, chỉ nên lựa chọn thật kỹ lấy một ít bài thích hợp nhất, cho một số ít người thật có tâm hồn thần bí trong Hội Thông Thiên Học, và các bài này chắc chắn đúng với nhu cầu của họ. Chỉ những kẻ đó mới ưa thích những lời này của Krishna-Christos, cái “Ta cao siêu”.

Trong bản dịch nầy, tôi cố gắng để bảo tồn vẻ đẹp của câu văn đầy thi vị và bút pháp có nhiều gợi ý của nguyên văn. Ðộc giả sẽ phán đoán xem sự cố gắng này đã thành công được đến đâu.”

Trong đoạn giới thiệu trên, bà HPB nói đến Trường Huyền bí bên kia rặng Hi Mã lạp Sơn (1) (Trans-Himalaya) là Trường Nội Môn thuộc về các Chân sư K.H, Morya. Còn senzar là ngôn ngữ tượng hình của các điểm đạo đồ (3). Nó giống như chữ nho của Trung quốc, dù người  điểm đạo đồ thuộc quốc gia nào đi nữa đều có thể đọc hiểu được thứ tiếng đó. Bà nói quyển Kim Huấn Thư (the Book of Golden Precepts) bao gồm 90 quyển tiểu luận nhỏ, nhưng bà chỉ trích dịch ba trong số đó để dịch thành quyển Tiếng Nói Vô Thinh. Bà cũng nói thoáng qua là bộ Kim Huấn Thư được khắc trên gỗ (hay kim loại?) và để trên các bàn thờ trong các chùa thuộc trường phái Du Già (Yogacharya) của Tây tạng. Tông phái Yogacharya do đức Arya Asanga sáng lập, và theo bà thì Ngài đã để lại nhiều tác phẩm quí giá cho hậu thế (2). Ông C.W. Leadbeater trong quyển Giảng lý Tiếng Nói vô thinh cung cấp cho ta nhiều chi tiết hơn về quyển sách này:

Những đoạn tiểu sử khác nhau về Bà Blavatsky cho chúng ta biết rằng bà đã lưu trú ba năm tại Tây Tạng, và trong một lần khác bà đã cố gắng đi vào vùng cấm địa nầy nhưng không thành công. Trong một trong các cuộc du hành này, dường như bà đã lưu ngụ tại một đạo viện trên Dãy Hy Mã Lạp Sơn, mà vào lúc ấy do một vị Ðệ Tử của Chân Sư Morya cai quản. Theo tôi dường như vùng nầy ở Népal chớ không phải Tây Tạng, nhưng khó mà xác quyết điều này. Tại nơi đây Bà Blavatsky học tập rất chuyên cần và đạt được một sự phát triển tâm linh phi thường. Trong thời kỳ đó, bà học thuộc lòng được nhiều thiên khảo luận khác nhau mà bà đã đề cập đến trong lời tựa. Những sinh viên ở đạo viện đặc biệt nầy đều phải học như bà, và quyển kinh có những đoạn đã trích ấy được xem như vô cùng quý báu và thiêng liêng.

Ðạo viện nầy thật xưa cũ. Nó được lập vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Thiên Chúa bởi nhà truyền giáo và canh tân vĩ đại của Ðạo Phật. Ngài thường được biết dưới danh hiệu Aryasanga. Người ta quả quyết rằng đạo viện ấy đã có từ hai đến ba thế kỷ trước Ngài. Dù sao đi nữa, lịch sử của đạo viện liên quan đến chúng ta bắt đầu từ khi Ðức Aryasanga tạm trú ở đó. Ngài là người có một năng lực phi thường, một kiến thức uyên bác và đã tiến xa trên Thánh Ðạo. Trong một kiếp trước, Ngài là Dharmajyoti, tức là một trong các tín đồ nhiệt thành của Ðức Phật, và sau đó, Ngài mang tên Kleinias, là một trong những vị cao đồ của Ðức Thầy Kouthoumi, trong một kiếp Ngài là Ðức Pythagore. Sau khi Ðức Pythagore bỏ xác, Kleinias sáng lập tại thành Athens một trường chuyên nghiên cứu triết lý của Thầy mình. Chắc chắn nhiều hội viên Thông Thiên Học hiện nay đã lợi dụng được cơ hội đó. Vài thế kỷ sau, Ngài tái sinh mang tên Vasubandhu Kanushika ở Peshawar, sau đó được gọi là Purushapura. Khi được nhận vào Giáo Hội Tăng Già, Ngài lấy tên là Vô Trước (Asanga) “người đã cởi bỏ các chướng ngại”. Khi Ngài đã cao niên, các môn đồ Ngài sùng mộ vị thủ lãnh của họ mới tôn xưng Ngài bằng danh hiệu dài hơn là Aryasanga — dưới biệt danh nầy Ngài thường được biết đến như một nhà trước tác và nhà truyền giáo. Người ta nói rằng Ngài đã đạt được một tuổi thọ thật cao, nếu truyền thuyết nầy đúng, Ngài đã sống gần đến một trăm năm mươi tuổi và từ trần ở Rajagriha.

Sách vở của Ngài để lại thật dồi dào; tác phẩm chánh trong số đó được nhắc đến là bộ Yogacharya Bhumishastra (Du Già Sư Ðịa Luận). Ðức Aryasanga đã sáng lập ra Tông phái Du Già Phật Giáo (Yogacharya school). Hình như Tông phái nầy bắt đầu bằng nỗ lực dung hợp Phật Giáo với hệ thống triết lý vĩ đại của Yoga, hoặc đúng hơn là chọn từ giáo lý Yoga những gì có thể sử dụng được  và giải thích theo Phật Giáo. Ngài đã từng hoằng giáo nhiều nơi và giữ một vai trò then chốt trong việc canh tân Phật Giáo. Tiếng tăm của Ngài lừng lẫy đến mức tên tuổi Ngài được kể chung với uy danh của Ðức Nagarjuna (Long Thọ) và Ðức Aryadeva (Ðại Thiên). Ba vị này nổi tiếng nầy là ba ngôi mặt trời của Phật Giáo, nhờ công nghiệp truyền bá ánh sáng và sự vinh quang của Ðạo Phật trên thế gian. Ðức Aryasanga sống khoảng một ngàn năm sau Ðức Phật. Các học giả Tây phương không đồng ý về điểm nầy nhưng không ai tin rằng Ngài sống vào thế kỷ thứ bảy sau Thiên Chúa. Ðối với chúng ta trong Hội Thông Thiên Học, Ngài được biết đến như vị huấn sư nhã nhặn, kiên nhẫn và nhân từ. Ðó là Chân Sư Djwal Koul. Ngài có một địa vị đặc biệt đối với chúng ta, vì ở thời kỳ vài người trong chúng ta hân hạnh được biết Ngài, nghĩa là cách đây bốn chục năm, Ngài còn chưa đạt được đến mục đích tiến hóa cuối cùng của nhân loại và được Ðiểm Ðạo ở cấp bậc Chân Sư. Như thế trong tất cả những Ðức Thầy của chúng ta, Ngài là người duy nhất trong kiếp nầy, mà chúng tôi được biết trước khi Ngài trở thành Chân Sư, vào lúc Ngài còn là cao đồ của Ðức Thầy Kouthoumi. Sự kiện Ngài đã du nhập Phật Giáo vào xứ Tây Tạng trong kiếp sống của Ngài là Aryasanga, có thể giải thích tại sao trong kiếp nầy Ngài chọn xác thân người Tây Tạng. Cũng có thể còn vài sự liên hệ hay sự trói buộc của Nhân Quả mà Ngài muốn chấm dứt trước khi nhận sự Ðiểm Ðạo sau cùng, tức quả vị Chân Sư.

Trong một cuộc du hành truyền pháp lớn lao của Ngài trong kiếp sống mang tên Aryasa­nga, Ngài đã đến đạo viện ấy ở Hy Mã Lạp Sơn và lưu ngụ tại đó. Ngài ở tại đây gần một năm, giáo hóa tăng sĩ, thành lập Giáo hội chung trong một phạm vi rộng lớn của xứ ấy và biến đạo viện thành một trung tâm đầu não của sự canh tân tín ngưỡng. Ngài đã lưu lại đây một ấn tượng và một truyền thống còn tồn tại đến ngày nay. Trong số thánh tích của Ngài, người ta còn giữ lại một quyển Kinh với một niềm tôn kính vô biên; đó chính là bản văn mà Bà Blavatsky gọi là Kim Huấn Thư. Dường như Ðức Aryasanga đã làm thành một loại sách tóm lược hay tập hợp những câu trích dẫn mà Ngài ghi lại trong đó tất cả những gì Ngài cho là hữu ích cho môn đồ Ngài, và Ngài bắt đầu với những thi đoạn của Kinh Dzyan — không phải bằng những biểu tượng như trong nguyên bản, nhưng bằng chữ viết. Ngài cũng trích nhiều câu khác, mà một đoạn rút trong tác phẩm của Ðức Long Thọ (Nagarjuna), như Bà Blavatsky đã cho biết. Sau khi Ngài ra đi, các môn đồ của Ngài thêm vào quyển sách ấy một loạt các bài tường trình (đúng hơn, được rút gọn) về những bài thuyết pháp của Ngài; đó là những ” tiểu luận ” mà Bà Blavatsky đã đề cập đến.

Trong kiếp trước, chính Alcyone đã soạn lại và thêm vào quyển Kim Huấn Thư những bản trần thuật về các bài thuyết pháp của Ðức Aryasanga mà ba bài hợp thành vấn đề chúng ta hiện đang nghiên cứu. Vậy nhờ Alcyone cẩn thận biên soạn chúng ta mới có tác phẩm nhỏ vô giá nầy, cũng như trong kiếp sống hiện tại chúng ta mang ơn người qua quyển sách nhỏ có nhan đề Dưới Chơn Thầy. Kiếp trước Alcyone bắt đầu từ năm 624 sau Thiên Chúa và trải qua tại vùng Bắc Ấn. Trong kiếp đó Alcyone được thu nhận vào Giáo Hội Tăng già Phật Giáo lúc còn rất trẻ. Cậu bé quyến luyến Aryasanga một cách nồng nhiệt và được Ngài dẫn đến đạo viện ở Népal, nơi đây Ngài để cậu trợ giúp và điều hành sự nghiên cứu của Giáo hội do cậu cải tổ và chăm sóc. Trong vòng hai năm, Alcyone đã hoàn tất các chức vụ trên trong sự thành đạt lớn lao nhất.

Chúng ta phải biết ơn Ông C.W. Leadbeater vì Ông đã cung cấp cho ta những chi tiết huyền bí về các Chân Sư thuộc trường phái Trans-Himalaya của Thánh đoàn. Đoạn văn trên rất rõ ràng, chỉ có một chi tiết thiếu chính xác. Ông nói Chân sư DK được điểm đạo sau năm 1875 (năm hội Thông Thiên Học được thành lập), nhưng bản thân Chân Sư DK trong quyển Điểm Đạo trong Nhân Loại và Thái dương hệ nói rằng Ngài được điểm đạo lần thứ năm vào năm 1875. Như vậy, tác giả thật sự của quyển Tiếng Nói Vô Thinh chính là Chân Sư DK trong một kiếp trước, và ta có thể khẳng định chắc chắn điều này khi ta đi sâu vào nội dung của quyển “Tiếng Nói Vô Thinh”, nhiều điều bí hiểm trong đó được Ngài giải thích chi tiết trong các tác phẩm sau này của Ngài được đưa ra thế gian dưới tên của người đệ tử Alice A. Bailey. Ông Leadbeater cũng cho biết Ngài chính là Kleinias, học trò của đức Pythagore tại Hi Lạp trước Công Nguyên, và chi tiết này cũng được nhiều nhà huyền bí học như Douglas M. Baker, Henry T. Laurency xác nhận. Như vậy, chúng ta có thể thấy sợi dây liên hệ mật thiết giữa Ngài và Sư Phụ của Ngài là đức KH vô cùng mật thiết qua nhiều kiếp sống khác nhau.

Trong một bức thư của bà Blavatsky gởi cho Ông Sinnett, bà nói đức DK rất lưu loát tiếng Anh, thậm chí Ngài còn lưu loát hơn cả Chân Sư KH. Còn bà Alice A. Bailey thì nói rằng Ngài rất uyên bác, và khi ta đọc sách của Ngài ta cũng thấy điều bà nói là chính xác. Trong số các bức thư của Chân sư KH và M. gởi cho ông Sinnett có vài bức của đức DK tự tay viết cho ông Sinnett, nhờ đó người ta biết được bút tự và chữ ký của Ngài. Dưới đây là một trang mà Ngài viết cho Ông Sinnett.

Thư Chân sư DL viết cho Ông Sinnett

Thư Chân sư DL viết cho Ông Sinnett

Trở lại nội dung của quyển The Voice of The Silence, Phần I của quyển sách được đặt tên trùng với tên quyển sách–“Tiếng Nói Vô Thinh”, bao gồm 100 câu châm ngôn ngắn, và bà Blavatsky thỉnh thoảng chú thích những chỗ khó hiểu. Thật ra, toàn bộ bộ quyển sách là áng văn tuyệt tác như lời bà Annie Besant nói, nhưng để hiểu hết những gì trong đó không phải điều dễ dàng. Thí dụ ta thấy những câu sau đây trong sách kèm theo chú giải của bà Blavatsky:

Cái Trí là Kẻ Giết Chết Sự Thật. Ðệ Tử phải khử trừ kẻ phá hoại đó.

The Mind is the great Slayer of the Real. Let the Disciple slay the slayer.

Ðại Sư là danh từ mà các vị đệ tử Lanoos hoặc Chelas dùng để gọi “Cái Ta Cao Siêu” (Thượng Ngã, Chân Ngã) của chúng ta.

The “great Master” is the term used by chelas to indicate the Higher Self.

Hỡi đệ tử, trần gian nầy là phòng đau khổ; nơi đây dài theo con đường thử thách gian lao rải rác biết bao cạm bẩy để nhốt Chơn Nhơn của con vào vòng ảo ảnh gọi là “đại mê tín”.

This earth, disciple, is the hall of sorrow, wherein are set along the path of dire probations, traps to ensnare thy Ego by the delusion called “great heresy”.

Hỡi kẻ hành hương mệt mỏi, con phải trải qua ba gian phòng mới hết những nỗi khó nhọc. Hỡi kẻ chiến thắng Ma Vương, ba gian phòng sẽ dắt con qua ba trạng thái để đến trạng thái thứ tư và từ đó bước vào bảy cõi, là những cõi yên nghỉ đời đời.

Nếu con muốn biết tên ba gian phòng đó, con hãy nghe và nhớ.

Tên của các gian phòng thứ nhứt là phòng Vô Minh -Avidya.

Chính phòng đó là nơi con sinh ra đời, nơi con sống và con sẽ chết.

Tên phòng thứ nhì là phòng Học Tập. Nơi đó Hồn con sẽ thấy những bông hoa của cuộc đời, nhưng dưới mỗi đóa hoa đều có một con rắn nằm khoanh.

Tên của phòng thứ ba là Minh Triết; phía bên kia là nước biển Akshara không bờ bến, nguồn toàn tri vô tận.

Three halls, O weary pilgrim, lead to the end of toils. Three halls, O conqueror of Mara, will bring thee through three states into the fourth, and thence into the seven worlds, the worlds of rest eternal.

If thou would’st learn their names, then hearken, and remember.

The name of the first hall is Ignorance—Avidya. It is the hall in which thou saw’st the light, in which thou livest and shalt die.

The name of hall the second is the Hall of Learning. In it thy Soul will find the blossoms of life, but under every flower a serpent coiled.

The name of the third hall is Wisdom, beyond which stretch the shoreless waters of Akshara, the indestructible fount of omniscience.

Con không thể đi trên Ðường Ðạo, trước khi con trở thành chính con đường đó.

Thou canst not travel on the Path before thou hast become that Path itself.

Đậy là những “công án” mà quyển Tiếng Nói Vô Thinh đưa ra cho chúng ta–những người học đạo–nghiền ngẫm. Trong các bài trước đây, chúng tôi có giải thích một vài câu nói trên của quyển sách bằng các trích dẫn của đức DK. Ví dụ câu “Con không thể đi trên Ðường Ðạo, trước khi chính con trở nên con đường đó” nói về đường Ahtahkarana; hoặc tên các Phòng Vô Minh, Phòng Học Tập, Phòng Minh Triết; Chân Ngã là Vị Thầy đầu tiên của chúng ta; Trần gian nầy là phòng đau khổ; Đại mê tín của sự chia rẻ … Chúng tôi chỉ nhắc lại sơ lược để các bạn thấy sự kế tục của giáo lý của Thánh Đoàn đưa ra cho thế gian, và càng về sau, giáo lý càng rõ ràng và sâu rộng hơn nữa.

Sau hết, chỉ thêm một thông tin nhỏ mà có thể có một số bạn thắc mắc. Hình Chân Sư DK phổ biến rộng rãi trên internet xuất phát từ đâu, và chân sư DK nay có còn giữ xác phàm nữa không? Trong những năm cuối thế kỷ 20, trên trang web của www.netnews.org có hình Chân sư DK đen trắng, khổ rất nhỏ (khoảng 3×4), cùng với hình bà Alice A.Bailey.

DK small

Sau đó, trong sách của Douglas M. Baker có hình của Chân sư DK đen trắng khổ lớn, và gần đây nhất là hình màu. Chúng ta biết Douglas M. Baker là đệ tử thuộc Ashram của Chân sư Người Anh, nằm trong Asram của Chân sư DK. Cuối cùng là một bức hình màu khác xuất phát từ một trong các đệ tử của đức DK, là hiệu trưởng của trường The School for Esoteric Studies (SES). Trường SES do hai đệ tử của Chân sư DK có pháp danh là RSU và FCD (Regina Keller và Roberto Assagioli) thành lập sau khi tách ra khỏi trường Arcane. Hình do hoạ sĩ người Nam Phi  Annie Gowland vẽ vào năm 1931.

CHân sư DK do hoạ sĩ Nam Phi Annie Gowland vẽ vào năm 1931

Chân dung Chân sư DK do hoạ sĩ Nam Phi Annie Gowland vẽ vào năm 1931. Click lên hình để xem hình phân giải cao

Ngoài ra, nếu Chân Sư DK còn giữ xác phàm khi Ngài được điểm đạo lần thứ năm thì cho đến nay Ngài đã vào khoảng 170 – 180 tuổi, và điều này khó xảy ra. Theo Douglas M. Baker thì Chân sư DK đã bỏ xác thân cũ và đã khoác lấy một xác thân mới—có thể bằng quyền năng Kriya shakti Ngài tạo ra một mayavic rupa, như Ngài đã có lần giải thích—ở tuổi trung niên. Torkom Saraydarian cũng có nhắc đến chuyện đức DK bỏ xác thân cũ trong giữa thế kỷ 20 trong sách của Ông. Chúng tôi thấy Douglas M. baker và Torkom Saraydarian là hai nhà Huyền bí học uy tín và đáng tin cậy, nên các thông tin đó đáng cho chúng ta ghi nhận.

 

3195 — Tổng số lần đọc 4 — Hôm nay

Chia sẻ: