Chia sẻ:
CÔNG VIỆC CỦA TÔI
(Bài viết của CHÂN SƯ TÂY TẠNG – The Tibetan)
Hình Chân sư D.K trích trong quyển The Egoic Lotus của Douglas M. Baker
Trong tháng Mười Một năm 1919, tôi tiếp xúc với A.A.B. (Alice A. Bailey) và yêu cầu bà giúp tôi bằng cách viết ra cũng như lo việc xuất bản một số sách — theo trình tự phổ truyền chân lý — đã đến lúc cần được cho ra. Lập tức bà từ chối, vì bà không hề có thiện cảm với những cái gọi là các tác phẩm huyền bí đang tràn ngập, chúng được đưa ra cho công chúng từ nhiều nhóm huyền bí khác nhau, họ không có kinh nghiệm viết sách dành cho công chúng. Hơn nữa, bà cũng hoàn toàn không thích mọi hình thức viết sách bằng thần thông và những việc làm bằng thần thông. Sau đó, bà đã đổi ý khi tôi giải thích cho bà hiểu rằng sự liên hệ bằng thần giao cách cảm (viễn cảm) là một điều đã được chứng minh và là một vấn đề đang được giới khoa học quan tâm nghiên cứu; rằng bà không phải là người có thần nhĩ hay có thần nhãn và sẽ không bao giờ trở thành một người như vậy; và (trên hết mọi sự) việc trắc nghiệm, đánh giá chân lý là ở chính nơi chân lý mà thôi. Tôi đã nói với bà rằng nếu bà chịu viết trong khoảng thời gian một tháng thì tài liệu được viết ra sẽ chứng tỏ cho bà thấy nó có chứa đựng chân lý hay không, nó có khơi dậy được các thông hiểu và nhận thức trực giác hay không, và nó có bao gồm hay chăng những điều mà sẽ rất có giá trị trong kỷ nguyên tinh thần mới mẻ đang khai diễn. Thế nên, bà đã vượt qua được mối chán ghét của mình đối với loại công việc này cũng như nhiều lối trình bày chân lý một cách huyền bí, hiện đang lan tràn. Bà chỉ đồng ý viết với điều kiện rằng các tác phẩm sẽ được đưa ra mà không có kèm theo bất cứ những lời tự xưng uy tín nào và các giáo huấn sẽ đứng vững được hay không là tùy theo chính chân giá trị của chúng mà thôi.
Các tác phẩm
Quyển sách đầu tiên được xuất bản là Điểm Đạo trong Nhân Loại và Thải Dương Hệ. Đây là kết quả cố gắng đầu tiên của bà trong loại công việc này. Nó đặt nền móng cho những quyển sách tiếp theo. Từ đó trở đi, A.A.B. đã viết sách cho tôi trong gần hai mươi lăm năm. Các sách này đã ra đời, phù hợp với một chủ đích sâu xa tiềm ẩn mà có lẽ các bạn quan tâm muốn biết, và chúng đã được khắp thế giới thừa nhận.
Điểm Đạo trong Nhân Loại và Thái Dương Hệ có mục đích khiến cho công chúng chú ý đến sự kiện thật về Đ.Đ.C.G.. H.P.B. đã làm việc này bằng sự suy diễn và những lời tuyên bố, nhưng không theo một thứ tự nào cả. Hội T.T. đã giảng dạy những sự kiện thật về các Chân sư, dù rằng, trong thư từ của bà với Bộ phận Bí giáo, H.P.B. đã hết sức hối tiếc việc làm này. Giáo huấn đó đã bị các nhà lãnh đạo T.T. về sau diễn giải sai lầm, và họ đã phạm một số lầm lỗi trong cơ bản. Họ đã mô tả các Chân sư với đặc tính không hề lầm lạc, những điều này không thể có được bởi vì chính các Chân sư các Ngài cũng đang tiến hóa. Giáo huấn họ đưa ra đã cổ vũ cho một sự chăm chú vào việc phát triển vị ngã, và quan tâm quá nhiều đến sự khai mở và giải thoát cá nhân. Những người được nêu lên như là các điểm đạo đồ và các cao đồ thì hoàn toàn là những người tầm thường, không có ảnh hưởng gì bên ngoài của chính Hội T.T.. Người ta đã nhấn mạnh đến lòng tôn sùng hoàn toàn đối với các Chân sư — tức là tôn sùng phàm nhân của các Ngài, và họ cũng cho thấy rằng các Ngài đang can thiệp vào sinh hoạt tổ chức của nhiều nhóm huyền bí khác nhau đã tự xưng là đang làm việc dưới sự điều hành của các Ngài. Người ta cho là các Ngài phải chịu trách nhiệm về các lầm lỗi của những nhà lãnh đạo các đoàn thể, họ đã ẩn núp dưới những lời tuyên bố như: Chân sư đã truyền cho tôi nói rằng…, Chân sư muốn việc này được thực hiện, hay là Chân sư muốn các hội viên hãy làm như thế này, thế nọ. Người nào tuân hành thì được xem là những hội viên tốt; người nào từ chối không chịu quan tâm tuân thủ thì bị xem là đào nhiệm. Sự tự do của cá nhân liên tục bị xâm phạm, còn những khuyết điểm và tham vọng của các nhà lãnh đạo thì được bào chữa. Vì biết rõ tất cả những điều đó nên A.A.B. đã từ chối, không tham gia vào bất cứ hoạt động nào đang liên tục tái diễn như thế, bởi vì đó thật sự là lịch sử của tất cả các nhóm huyền bí được mọi người biết đến và đang hấp dẫn sự chú ý của công chúng. Không ai liên thuộc Đ.Đ.C.G. mà lại làm như vậy; và thậm chí nếu tôi có muốn làm việc theo cách đó thì hẳn đã không được bà cộng tác.
Kế đó là quyển Thư về Tham Thiền Huyền Môn. Các bức thư này đã chỉ ra một khảo hướng khá mới về tham thiền, không dựa trên lòng tôn sùng các Chân sư, mà dựa vào việc nhận thức được linh hồn nơi mỗi cá nhân. Rồi tiếp theo là Luận về Lửa Vũ Trụ. Quyển sách này triển khai giáo huấn đã đưa ra trong Giáo Lý Bí Nhiệm về ba loại lửa — lửa điện, lửa thái dương và lửa ma sát — và nó đã đúng theo lịch trình mà người ta mong đợi. Nó cũng đưa ra chìa khóa tâm lý cho bộ Giảo Lý Bí Nhiệm và nhằm cung ứng tài liệu nghiên cứu cho những người đệ tử và các điểm đạo đồ ở cuối thế kỷ này và đầu thế kỷ tới, mãi đến năm 2025.
Về sau, A.A.B. cảm thấy rằng sẽ rất hữu ích cho tôi và công việc chung nếu bà tự viết ra một số sách giúp ích cho các sinh viên, ngoài việc ghi bài, viết sách cho tôi, rồi đưa chúng ra dưới hình thức Anh ngữ nhiều gợi ý mà chúng tôi đã phát triển làm phương tiện truyền chuyển các ý tưởng mà tôi có phận sự công bố’. Người có thần thông và người đồng tử trung bình thì thường không có mức thông minh cao, và A.A.B. muốn chứng minh (để giúp ích cho công việc trong tương lai) rằng một người có thể làm một công việc nhất định bằng quan năng thần thông mà vẫn có thể thật sự thông minh. Thế nên, bà đã viết bốn quyển sách hoàn toàn là tác phẩm của chính bà:
- Tâm thức của Hạt Nguyên tử.
- Linh hồn và các Thể.
- Từ Trí tuệ đến Trực giác.
- Từ Bethlehem đến Calvary.
Bà cũng đã cộng tác với tôi, viết một quyển sách, nhan đề là Ánh Sáng của Linh Hồn; trong sách này tôi dịch ra tiếng Anh các câu kinh Phạn ngữ của Patanjali, còn bà đóng góp phần luận giải, thỉnh thoảng bà cũng tham khảo ý kiến tôi để nắm chắc ý nghĩa.
Kế đến là Luận về Chánh thuật. Quyển này đã được viết cách đây nhiều năm, và khi viết nó đã được đưa ra từng chương cho các sinh viên cao cấp của Trường Arcane chỉ để dùng làm bài đọc mà thôi. Nó là cuốn sách đầu tiên được đưa ra bàn về việc huấn luyện và kiểm soát thể tinh tú hay là thể cảm dục. Nhiều cuốn sách nội môn đã viết về thể xác, cách thanh luyện nó, và về thể dĩ thái hay là thể sinh lực. Hầu hết chúng là tuyển tập của các sách khác, cả xưa và nay. Tuy nhiên, quyển sách này của tôi thì nhằm huấn luyện người chí nguyện thời nay trong việc kiểm soát thể cảm dục của mình, với sự trợ giúp của thể trí, vì đến lượt thể trí ấy lại được linh hồn soi sáng.
Tác phẩm tiếp theo là bộ Luận về Bảy Cung. Đó là một bộ sách dài, chưa hoàn tất. Nó bao gồm bốn tập, hai tập đầu đã được xuất bản, một tập đã sẵn sàng để in, và tập chót thì đang được viết. Các tập một và hai bàn về bảy cung và bảy mẫu tâm lý của bảy cung, để đặt nền tảng cho khoa tâm lý mới mà khoa tâm lý hiện nay (dù có tính xu phụng vật chất) đã tạo được một cơ sở rất tốt. Tập ba thì hoàn toàn dành cho chủ đề khoa chiêm tinh nội môn, và tự nó là một quyển sách. Tập này nhằm đưa ra khoa chiêm tinh mới trên căn bản là linh hồn chứ không phải phàm nhân. Khoa chiêm tinh công truyền xác lập một đồ biểu để đưa ra vận mệnh của phàm nhân, và khi phàm nhân này kém tiến hóa hoặc chỉ phát triển ở mức trung bình thì thường lá số ấy đoán đúng đến mức gây kinh ngạc. Tuy nhiên, nó sẽ không đúng đến mức đó, nếu đương sự là những người tiến hóa cao, những người chí nguyện, các đệ tử và điểm đạo đồ là những người đang bắt đầu chế ngự các ngôi sao chiếu mệnh và do thế mà kiểm soát được các hành động của mình. Bấy giờ các sự kiện và các diễn biến trong đời họ sẽ không thể nào tiên đoán được. Khoa chiêm tinh mới của tương lai sẽ cố gắng đưa ra chìa khóa để lập lá số của linh hồn, vì nó chịu sự chi phối của cung linh hồn chứ không phải cung phàm nhân. Những điều tôi đưa ra đã đủ để giúp cho những nhà chiêm tinh nào quan tâm theo đường hướng mới có thể giải đoán tương lai, dựa vào khảo hướng mới mẻ này. Khoa chiêm tinh là một khoa học nền tảng và hết sức cần thiết. A.A.B. không biết gì về chiêm tinh cả; thậm chí bà không thể lập được một đồ biểu, hay có thể kể tên các hành tinh và những cung nào chúng chi phối. Do đó, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những gì nói trong sách này và tất cả những quyển sách khác của tôi chỉ trừ một quyển là Ánh Sáng của Linh Hồn như trước tôi đã có giải thích.
Tập bốn bàn về vấn đề trị liệu, cũng như việc lập cầu Antahkarana để nối liền khoảng cách giữa Chân thần và phàm nhân. Nó cũng đưa ra Mười bốn Qui luật mà những người nào đang dự cuộc huấn luyện để được điểm đạo đều phải tận tường.1 Một lần nữa, xin các bạn chú ý đến vấn đề cuối cùng này, tôi xin nhắc lại rằng A.A.B. chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, có lời nào tự xưng mình là một điểm đạo đồ, dù ở trước công chúng hay trong chỗ riêng tư. Bà biết rằng việc làm đó vi phạm định luật huyền môn, và bà đã thấy quá nhiều người không phải là tụ điểm tinh thần gì đặc biệt hoặc có khả năng trí tuệ nào mà lại tự xưng như thế, và hậu quả tai hại đã xảy ra, là hạ thấp cái ý niệm về Đ.Đ.C.G. và tính chất của bậc trọn lành trước tầm mắt quan tâm theo dõi của công chúng. Thế nên, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về Mười bốn Qui Luật này, về các lời giải thích và việc áp dụng chúng. A.A.B. chưa bao giờ tự xưng điều gì khác hơn là một đệ tử đang phục vụ, đang chú tâm vào việc phụng sự thế giới (điều này không ai có thể phủ nhận) và đã lặp đi lặp lại rằng từ “đệ tử” là một từ hợp pháp và không gây tranh cãi (cũng như đúng thật) được dùng cho tất cả các cấp phụng sự viên trong Đ.Đ.C.G., từ người dệ tử dự bị, có liên hệ lỏng lẻo với một sô” vị đệ tử trong Đ.Đ.C.G., lên đến và bao gồm cả chính Đức Christ, là vị Thầy của tất cả các Chân sư, là Huấn sư của thiên thần cũng như loài người. Tôi hoàn toàn đồng ý với bà, khi bà đã liên tục phản đối những sự tò mò không lành mạnh về địa vị và tước hiệu, là một điều hết sức tai hại trong quá nhiều nhóm huyền bí, đưa đến làn sóng cạnh tranh, ganh tị, chỉ trích và tự xưng, tự nhận đang nhan nhản trong đa số các đoàn nhóm này — nó khiến cho biết bao sách vở xuất bản trở thành vô dụng và làm cho công chúng không thể nhận được giáo huấn trong tính thuần khiết và giản dị. Cấp bậc và tước hiệu, địa vị và ngôi thứ, đều không có gì quan trọng cả. Chính giáo huấn mới là quan trọng — tức là chính chân lý và sức khơi dậy trực giác trong giáo huấn. Xin các bạn luôn nhớ cho điều này.
Các đệ tử chính thức của Chân sư nhận ra được Ngài trong nội tâm họ — sự nhận thức này sau đó được các đệ tử đồng môn với họ xác nhận và được Chân sư Ngài dùng như một điều kiện thực tế. Họ biết được Chân sư của mình, nhận giáo huấn từ Ngài, và trong nhóm với nhau họ nói chuyện về Ngài theo mức họ hiểu Ngài, chứ không theo cái hiểu của thế giới bên ngoài.
Thế là các quyển sách được liên tục ra đời trong nhiều năm, và khi bộ Luận về Bảy Cung hoàn tất, một cuốn sách nhỏ về ảo cảm đã sẵn sàng để in, và một quyển sách nói về đường đạo trong thời đại mới được trao vào tay công chúng, thì công việc A.A.B. làm cho tôi sẽ chấm dứt. Bấy giờ bà có thể trở lại làm công việc của mình — công việc của một người đệ tử — trong Đạo viện của Chân sư bà.
Nhà Trường
Giai đoạn kế tiếp của công việc mà tôi muốn thấy được thành tựu thì nay đang được tiến hành đều đặn. Đó chính là mong muốn của tôi (cũng như là sự mong muốn của nhiều nhân viên trong Đ.Đ.C.G.) muốn thấy một trường huyền môn được mở ra mà để cho các môn sinh được tự do. Trường sẽ không bó buộc họ phải thệ nguyện điều gì, và — trong khi đưa ra những phương cách hành thiền, những bài nghiên cứu và giáo huấn nội môn — trường vẫn để cho mọi người tự điều chỉnh, tự diễn giải chân lý theo khả năng cao nhất của mình. Trường trình bày cho họ biết nhiều quan điểm, đồng thời truyền đạt cho họ những chân lý nội môn thâm sâu nhất mà họ có thể nhận thức được nếu trong tâm họ có những gì đã thức tỉnh, đáp ứng được với các bí nhiệm. Còn nếu họ thiếu khả năng nhận thức được chân lý đúng như thực tính, thì cho dù họ có đọc hay nghe nói về các bí nhiệm đó, chúng cũng không gây cho họ điều gì tai hại. A.A.B. đã mở ra một trường như thế nào năm 1923 với sự giúp đỡ của F.B. và một số môn sinh có sự thông hiểu và tầm nhìn tinh thần. Bà đã đặt điều kiện là tôi sẽ không có gì liên quan đến Trường Arcane, và tôi sẽ không chi phối học trình và các phương sách của nhà trường, ở điểm này bà đã khôn ngoan và đúng đắn và tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của bà. Ngay cả những quyển sách của tôi cũng không được dùng làm sách giáo khoa, và chỉ ba năm qua, một quyển sách trong đó, Luận về Chánh thuật, mới được điều chỉnh để dùng trong một khóa học, và đó là do sự yêu cầu tha thiết của nhiều sinh viên. Một vài phần của giáo huấn về Antahkarna (sẽ cho ra trong một quyển sau này của bộ Luận về Bảy Cung) cũng đã được dùng trong hai năm qua cho một phần của cấp thứ tư. Giáo huấn về ảo cảm đã được đưa ra làm bài đọc trong một phần khác.
Trong Trường Arcane không ai bị đòi hỏi phải vâng lời, không có gì nhấn mạnh rằng “phải tuân theo Chân sư” bởi vì không có vị Chân sư nào đang điều hành nhà trường cả. Trường chỉ chú trọng vào vị Chân sư duy nhất trong tâm hồn, tức là linh hồn, con người tinh thần thật sự trong mỗi cá nhân. Không có khoa thần học nào được đem ra giảng dạy, và người sinh viên không bị buộc phải chấp nhận bất cứ một sự diễn giải hay trình bày nào về chân lý. Một thành viên của Trường có thể chấp nhận hay gạt bỏ sự kiện thực tế về các Chân sư, về Đ.Đ.C.G., về luân hồi, hoặc về linh hồn mà vẫn còn là một thành viên tốt của nhà trường. Không hề có sự mong đợi hay đòi hỏi phải trung thành đối với nhà trường hay với A.A.B.. Các sinh viên có thể làm việc trong bất cứ đoàn thể hay giáo hội nào thuộc chính thống hay siêu hình, nội môn hay huyền bí mà vẫn còn là thành viên của Trường Arcane. Họ được yêu cầu hãy xem các hoạt động đó như là những môi trường phụng sự, trong đó họ có thể đưa ra bất cứ sự trợ giúp tinh thần nào mà có thể họ đã thu được thông qua công việc họ làm trong nhà Trường. Các nhà lãnh đạo và các nhân viên cao cấp trong nhiều đoàn thể huyền bí cũng đang làm việc trong Trường Arcane, nhưng vẫn cảm thấy hoàn toàn tự do dùng thì giờ, lòng trung thành và phụng sự cho đoàn thể của riêng họ.
Trường Arcane đã ra đời trong hai mươi năm qua và nay — cùng với toàn thể nhân loại — Trường đang bước vào một chu kỳ phát triển mới hữu ích hơn, và đang có cuộc chuẩn bị thích hợp cho bước phát triển này. Chủ âm của Trường là phụng sự, do lòng yêu thương nhân loại. Việc tham thiền được làm thăng bằng và song hành với việc học hỏi, nghiên cứu cũng như cố gắng hướng dẫn các sinh viên phụng sự.
Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian
Một phần việc khác của tôi đã được thực hiện cách đây khoảng mười năm, khi tôi bắt đầu viết một số tập sách nhỏ dành cho công chúng, kêu gọi họ hãy chú ý đến hiện tình thế giới và Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian. Bằng cách đó, tôi đã cố gắng trụ vững ở cõi trần (xin tạm gọi như vậy) một sự xuất lộ hay là biểu tượng công việc của Đ.Đ.C.G.. Đó là một nỗ lực kết đoàn ở nội giới, và nếu có thể thì ở ngoại giới, của tất cả những người có chủ đích tinh thần và sâu sắc yêu thương nhân loại, họ đang tích cực làm việc trong nhiều nước, hoặc trong các tổ chức hay làm việc một mình. Những người này rất đông. Các nhân viên trong Trường Arcane, F.B. và A.A.B. biết được một số ít. Phần tôi biết được hàng ngàn người khác. Tất cả đều đang làm việc theo nguồn hứng khởi của Đ.Đ.C.G và, dù tự ý thức được hay không, họ đều đang hoàn thành các phận sự làm đại diện cho các Chân sư. Họ cùng nhau hợp thành một đoàn thể, liên kết chặt chẽ ở nội giới bằng tình thương và chủ đích tinh thần. Một số là các huyền bí gia, làm việc trong các nhóm huyền bí; một số là các nhà thần bí, làm việc bằng viễn ảnh tinh thần và tình thương; những người khác thuộc các tôn giáo chính thống, còn một số người thì hoàn toàn không thừa nhận các mối liên hệ gọi là tinh thần. Tuy nhiên, tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý thức trách nhiệm vì phúc lợi cho nhân loại, và trong thâm tâm họ đã tự nguyện trợ giúp đồng bào mình. Đoàn người cao cả này là những vị Cứu thế hiện nay, họ sẽ cứu giúp thế gian và mở ra thời đại mới sau chiến tranh. Những tập sách mà tôi đã viết (tập đầu có tựa đề Trong Ba Năm Tới*) đã nêu lên các kế hoạch và mục đích của Đoàn, và đề nghị các phương cách và các phương pháp để cộng tác với đoàn người phụng sự thế giới này, đã và đang hiện hữu cùng hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực.
Những người mà Đ.N.M.P.S.T.G. đang ảnh hưởng, những người mà Đoàn tìm cách làm việc với, và những người có thể đóng vai trò đại diện cho Đoàn, chúng tôi gọi đó là những người nam nữ thiện chí. Tôi đã làm một nỗ lực để thấu đến những người thiện chí này vào năm 1936, khi mà vẫn còn có chút khả năng mong manh có thể tránh được chiến tranh, thậm chí vào giờ phút muộn màng đó. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ cuộc vận động ấy và sự thành công tương đối của nó. Cuộc vận động đã đến được hàng triệu người thông qua những lời hô hào, sách báo và đài phát thanh. Tuy nhiên, đã không có đủ số người quan tâm về mặt tinh thần để đạt được những bước cần thiết nhằm ngăn chặn triều sóng hận thù, tà vạy và gây hấn đã đe dọa nhận chìm thế giới. Dù với tất cả những nỗ lực của Đ.Đ.C.G. cùng các nhân viên, chiến tranh đã bùng nổ vào năm 1939, và công tác thiện chí đương nhiên phải bị tạm đình hoãn. Phần việc mà các thành viên của Trường Arcane đã tìm cách phục vụ, và kết quả đã hình thành được mười chín trung tâm phụng sự trong từng ấy quốc gia, đã phải bị tạm thời đình hoãn — nhưng, hởi các huynh đệ, chỉ tạm thời thôi, bởi vì thiện chí là “mãnh lực cứu giúp”, là một sự phát biểu của ý-chí-hướng-thiện vốn là lực phát động Đ.N.M.P.S.T.G.
*Phát hành năm 1932 dưới tựa đề, Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian.
Tôi muốn nêu rõ rằng việc trụ vững Đ.N.M.P.S.T.G. ở cõi trần và tổ chức công tác thiện chí không chút gì liên quan đến Trường Arcane chỉ trừ việc nó cho các thành viên của Trường có cơ hội trợ giúp vào phong trào đó. Họ đã được để cho hoàn toàn tự do muốn trợ giúp hay không tùy ý, và phần đông họ đã hoàn toàn không biết đến nỗ lực này, tức là họ phát biểu quyền tự do mà họ đã cảm thấy và đã được giảng dạy.
Khi thế chiến nổ ra và toàn thể thế giới lao vào những hậu quả xáo trộn, khủng khiếp, thảm họa, chết chóc, đau thương, thì nhiều người có khuynh hướng tinh thần đã lo đứng ngoài cuộc đấu tranh. Họ không phải là số đông, nhưng là một thiểu số ồn ào và mạnh mẽ. Họ xem bất cứ những thái độ tham chiến nào cũng đều là một sự vi phạm định luật về tình huynh đệ, và họ đã bằng lòng hy sinh hạnh phúc của toàn nhân loại cho một sự thôi thúc thuộc về xúc cảm, muốn yêu thương tất cả mọi người theo một cách khiến họ không cần phải làm bất cứ hành động hay quyết định nào. Thay vì xét “đúng hay sai với đất nước của tôi” thì chính là “đúng hay sai với toàn nhân loại”. Khi tôi viết tập sách Cuộc Khủng hoảng của Thế giới Hiện tại và các bài viết kế tiếp về tình hình thế giới, tôi đã khẳng định rằng Đ.Đ.C.G. ủng hộ thái độ và các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc, là chiến đấu cho sự tự do của toàn nhân loại và cho sự giải thoát của những người đau khổ. Sự kiện này đã nhất thiết đặt Đ.Đ.C.G. ở vào vị thế không cách nào ủng hộ lập trường của phe Trục. Nhiều người ở trong công tác thiện chí và một vài người ở trong nhà trường đã diễn giải sự kiện này như là có ẩn ý chính trị, họ tin tưởng và cho rằng đối với cả điều thiện và điều ác thì những người có khuynh hướng tinh thần phải giữ vị thế hoàn toàn trung lập. Những người đó đã không suy nghĩ cặn kẽ rõ ràng, họ lẫn lộn thái độ không chịu ủng hộ với tình huynh đệ, mà quên đi những lời Đức Christ đã nói rằng “người nào không cùng với ta tức là chống lại ta.” Tôi xin lặp lại những điều tôi đã thường nói. Đ.Đ.C.G. và tất cả các nhân viên, gồm cả tôi, đều yêu thương nhân loại, nhưng các Ngài không hề ủng hộ những gì tà vạy, gây hấn, tàn ác và giam nhốt linh hồn con người. Các Ngài đại diện cho tự do, cho cơ hội dành cho mọi người có thể tiến tới trên con đường ánh sáng, cho phúc lợi của toàn nhân loại, không phân biệt, cho lòng tử tế tốt đẹp, và cho quyền của mỗi người có thể tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do làm việc. Thế nên, tất nhiên là các Ngài không thể ủng hộ các quốc gia nào hoặc những người trong bất cứ quốc gia nào đi ngược lại quyền tự do và hạnh phúc của con người. Trong tình thương và thấu hiểu được trường hợp này, các Ngài biết rằng, trong một kiếp sống hay những kiếp sống về sau, phần đông những người mà hiện đang là kẻ thù của quyền tự do của con người, chính họ cũng sẽ được giải thoát và dấn bước trên con Đường sáng. Đồng thời, toàn lực của Đ.Đ.C.G. được đổ về phía các quốc gia đang đấu tranh giải thoát nhân loại, cũng như đổ về phía những người, ở trong bất cứ quốc gia nào, đang làm công việc đó. Nếu đứng về phía tự do và điều thiện bị xem là phương hại cho các vấn đề tinh thần, thì bấy giờ Đ.Đ.C.G. sẽ làm việc để thay đổi thái độ của mọi người về thế nào là tinh thần.
Vì chịu trách nhiệm viết ra các tập sách và cùng F.B. chịu trách nhiệm xuất bản cũng như phân phối chúng, nên A.A.B. đã bị đặt vào một vị thế khó khăn, làm bia cho những lời chỉ trích và công kích. Tuy nhiên, bà biết rằng thời gian sẽ điều chỉnh tất cả, và việc gì đã được làm với động cơ đúng đắn thì rốt cuộc tự nó sẽ tỏ ra là đúng.
Vậy là, tôi đã quan tâm đến ba giai đoạn của công việc: những quyển sách, Trường Arcane, và Đ.N.M.P.S.T.G.. Tác động của ba phương diện công việc này vào thế giới đã rõ ràng là hữu hiệu và hữu ích. Tổng thể của những công việc hữu ích đã được thành tựu mới là điều đáng kể, chứ không phải những lời chỉ trích và sự hiểu lầm của những người trong cơ bản thuộc về lề lối cũ, thuộc về thời đại Song Ngư, và do đó họ không thể thấy được sự xuất lộ của những lối sống mới và những khảo hướng mới về chân lý.
Trong suốt khoảng thời gian này tôi đã đứng ở hậu trường. Tôi đã chịu trách nhiệm về các cuốn sách và những tập sách nhỏ, chúng mang thẩm quyền của chân lý — nếu trong chúng có chân lý — chứ không phải thẩm quyền của tên tuổi tôi, của bất cứ địa vị nào mà tôi có thể tự xưng, hoặc địa vị mà những kẻ tò mò, tọc mạch và sùng tín có thể gán cho tôi. A.A.B. thì chịu trách nhiệm về Trường Arcane, và tôi không hề định đặt các sách lược hoặc can dự vào học trình của nhà trường. Còn các sách và những tập sách nhỏ của tôi thì các sinh viên trong Trường có thể đọc y như là những người khác trong công chúng vậy.
Tôi đã tìm cách trợ giúp công tác thiện chí, mà A.A.B. chịu trách nhiệm, bằng những đề nghị, và bằng cách nêu lên những công việc nào Đ.N.M.P.S.T.G. đang tìm cách thực hiện; nhưng tôi chưa hề và cũng sẽ không bao giờ yêu cầu đòi hỏi việc gì dựa vào thẩm quyền qua tên tuổi của tôi. Kết quả của tất cả các hoạt động này rất tốt; những sự hiểu lầm cũng chỉ ít thôi và do trình độ nhận thức của cá nhân ấy cũng như do thái độ của người chỉ trích. Sự chỉ trích vẫn là lành mạnh nếu chúng ta không để cho nó trở thành hủy hoại.
Huấn Luyện Cá Nhân
Song hành với các hoạt động chính yếu nói trên, từ năm 1931 tôi đã huấn luyện một nhóm người nam, nữ rải rác trên khắp thế giới, về các kỹ thuật của con đường đệ tử nhập môn, hiểu về mặt lý thuyết. Trong số nhiều người có thể làm tân đệ tử, vào năm 1931 và sau đó, tôi đã chỉ cho A.A.B. một nhóm khoảng 45 người — một số thì cá nhân bà có quen biết, còn một số thì không — họ đã bày tỏ lòng tự nguyện muốn được huấn luyện, và có thể thử thách mức thích hợp với công tác tập thể trên Đường Đạo trong Thời đại mới. Những người này đã nhận giáo huấn cá nhân trực tiếp từ tôi cùng một số giáo huấn tổng quát thể hiện cách cận tiến mới mẻ hướng về Đ.Đ.C.G. và cuộc sống tinh thần, dù rằng dĩ nhiên là căn cứ vào các qui luật xưa. Chẳng bao lâu, các giáo huấn đó sẽ được đưa ra cho công chúng, nhưng không kèm theo các chi tiết liên quan đến những người đã thụ huấn; tên tuổi, ngày tháng, nơi chốn đều được thay đổi, chỉ có giáo huấn là được giữ y như đã truyền đạt.*
Tất nhiên, qua giao tiếp với tôi, những người này đã xác định được lai lịch của tôi. Trong nhiều năm rồi họ đã biết tôi là ai. Nhưng họ và A.A.B. đã rất cẩn thận giữ kín danh hiệu của tôi, một cách thật khó khăn, vì hàng trăm người trong hầu như mọi nước trên thế giới đã phỏng đoán lai lịch của tôi, và nhiều người đã đoán đúng. Thế nên, ngày nay, dù rằng A.A.B. và các đệ tử của tôi đã làm tất cả những gì có thể làm, nói chung người ta đã nhận ra rằng tôi là một Chân sư và đã gán cho tôi một danh hiệu. Trong nhóm người chí nguyện được đặc biệt chọn lựa của tôi thì tôi đã thừa nhận danh tính của mình khi chính họ nhận ra điều đó trong tâm. Nếu làm khác hơn thì thật là vừa sai lầm vừa khờ dại; nên khi giao tiếp với họ hoặc viết giáo huấn mới về Đường Đạo, tất nhiên tôi đã giữ vị thế đúng của mình. Tôi và A.A.B. đã cho rằng một số trong các giáo huấn này là hữu ích và thích hợp để sử dụng rộng rãi hơn, nên đã kèm chúng trong một loạt bài dưới tên tôi, đăng trong tạp chí Hải Đăng, nói về Các Giai đoạn trên Đường Đạo. Trước khi xuất bản, các bài này vẫn được A.A.B. xem xét kỹ, chỉ trừ một bài cách đây vài tháng, do công việc quá bận rộn nặng nề, A.A.B. đã quên bỏ ra một đoạn mà trong đó tôi nói với tư cách một Chân sư. Bà đã hết sức ân hận khi thấy xuất hiện đoạn này trên tờ Hải Đăng vào tháng Bảy năm 1943. Sau bao nhiêu năm giữ kín lai lịch của tôi, bà đã mắc phải điều sơ sót này, nên nó đã công nhiên xác định rằng tôi là một Chân sư.
*Các giáo huấn này hiện có trong quyển “Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới”. Tập II của sách này sắp được xuất bản. – Foster Bailey.
Trong vấn đề này tôi muốn các bạn chú ý đến ba điều:
Nhiều năm trước đây, tôi đã nói trong Luận về Chánh thuật rằng tôi là một điểm đạo đồ ở một cấp bậc nào đó nhưng cần phải giữ kín tính danh. Nhiều năm sau, do nhầm lẫn này của A.A.B. mà tôi dường như ở trong vị thế mâu thuẫn hay trái ngược với chính mình, tức là tôi đã đổi thay sách lược. Thực sự thì tôi không làm như vậy. Việc phổ truyền giáo huấn làm thay đổi các trường hợp, và đôi khi tùy nhu cầu của nhân loại mà phải thay đổi cách tiến đến mục tiêu. Trong sự phát triển của chân lý không có điều gì tĩnh tại. Đã từ lâu, chủ đích của tôi là làm tất cả những gì cần thiết để giúp cho công chúng hiểu được rõ ràng đích xác sự kiện thật về Đ.Đ.C.G. cùng các nhân viên, bằng một phương cách tạo nhiều quan tâm hơn nữa.
Cách đây nhiều năm, tôi đã nói rõ với A.A.B. (cũng như Chân sư của bà đã nói) rằng, với tư cách một đệ tử, phận sự chính yếu của bà là làm cho công chúng hiểu biết đúng đắn về thực tính của các Chân sư Minh triết và hóa giải cái ấn tượng sai lầm mà công chúng đã đón nhận. Bà đã làm công việc này đến một mức nào đó, nhưng chưa đến mức đầy đủ như đã định. Bà đã ngập ngừng do dự trước công tác này, do các tai tiếng mà toàn bộ vấn đề này đã mắc phải, bởi các trình bày sai lầm từ nhiều nhóm huyền bí và các huấn sư khác nhau, cùng những sự gán ghép buồn cười từ những người không hiểu biết gì về chúng tôi cả. Người đi trước bà là H.P.B. đã nói rõ trong một số huấn thị gởi cho Bộ phận Bí giáo của Hội T.T. rằng bà ấy đã vô cùng hối tiếc việc đề cập đến các Chân sư, đến danh tính và chức năng của các Ngài.
A.A.B. cũng có ý kiến như vậy. Các Chân sư như được mô tả trong Hội T.T. thì không mấy đúng với sự thật, và nhiều điều tốt đẹp đã được thực hiện do bằng chứng này về sự hiện diện của các Ngài, cũng như đã có nhiều điều tai hại do các chi tiết dại dột mà đôi khi người ta đã truyền đạt. Nhưng các Ngài không như đã mô tả; các Ngài không hề ra lệnh cho những người theo các Ngài (hay nói đúng hơn là những người sùng tín) hãy làm điều này, điều nọ, hãy lập tổ chức này hay tổ chức kia, cũng như các Ngài không hề chỉ ra rằng một số người nào đó là hết sức quan trọng ở cõi trần, bởi vì các Ngài biết rõ rằng các đệ tử, các điểm đạo đồ và các Chân sư phải chứng minh địa vị của mình bằng công việc đã được hoàn tất, và chúng ta biết được các Vị qua công việc và hành động, chứ không qua những lời nói suông.
Các Chân sư làm việc thông qua đệ tử của các Ngài trong nhiều tổ chức; nhưng các Ngài không đòi hỏi, thông qua các vị đệ tử này, hàm ý rằng các hội viên của tổ chức phải tuân hành; và các Ngài cũng không vì thế mà không đưa ra giáo huấn cho những người không đồng ý với các sách lược của tổ chức hay những cách giải thích của các nhà lãnh đạo. Các Ngài không có thái độ chia rẽ và chống đối những đoàn nhóm nào đang làm việc dưới các đệ tử của những Chân sư khác, và bất cứ tổ chức nào các Ngài quan tâm đều có tính bao gồm chứ không loại trừ, kỳ thị. Các Ngài không chống đối các phàm nhân, ủng hộ người này hay khai trừ người kia chỉ vì họ tán thành các chính sách hoặc một nhà lãnh đạo nào đó trong tổ chức, hay không. Các Ngài không phải là những người đầy ấn tượng và thô lỗ mà các nhà lãnh đạo tầm thường của nhiều đoàn nhóm đã mô tả; các Ngài cũng không chọn các đệ tử hữu thệ và những 256 phụng sự viên tài giỏi trong số những người nam, nữ mà ngay cả theo quan điểm của thế gian cũng rõ ràng là thấp kém, hoặc là những người ưa tự xưng, tự nhận, và dùng mưu mẹo để hấp dẫn sự chú ý về mình. Muốn làm đệ tử dự bị, hành giả có thể là một người sùng tín rồi sau đó chú trọng vào việc thanh luyện và có được một sự hiểu biết thông minh về tình huynh đệ và nhu cầu của nhân loại. Muốn làm một người đệ tử chính thức, làm việc trực tiếp dưới các Chân sư và tích cực phụng sự thế giới với một tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, hành giả cần trí tuệ phát triển có định hướng, cần tâm hồn tăng trưởng, mở mang, và một ý thức giá trị chân thực.
Các Chân sư được trình bày trước công chúng bởi những phong trào như phong trào TA ĐÂY LÀ…, chỉ là một hình ảnh méo mó, buồn cười của sự thực. Các Chân sư được mô tả trong nhiều phong trào T.T. (từ thời H.P.B.) thì không có những nét nổi bật thông minh và tỏ ra kém phán đoán khi chọn những người mà các tổ chức đó gọi là các điểm đạo đồ hay các yếu nhân trong Đ.Đ.C.G..
Vì đã biết rõ toàn bộ vấn đề này, và đã trông thấy các hậu quả tai hại của giáo huấn thường đưa ra về các Chân sư, nên A.A.B. đã bị buộc phải làm ngược lại, để trình bày thực tính của Đ.Đ.C.G., các thành viên và những mục tiêu của các Ngài, và bà đã tìm cách đặt sự chú trọng — như chính Đ.Đ.C.G. đang chú trọng — vào nhân loại, chứ không phải chú trọng vào một nhóm các huấn sư. Các vị huấn sư này, dù rằng đã vượt cao hơn những vấn đề khó khăn thông thường của phàm nhân và kinh nghiệm trong tam giới, nhưng các Ngài vẫn còn ở trong tiến trình rèn luyện và đang tự chuẩn bị (dưới sự hướng dẫn của Đức Chirst) để tiến bước lên con đường gọi là cuộc tiến hóa cao siêu. Các danh xưng mà một số đệ tử ở Tây Tạng dùng cho chúng tôi có dính dáng đến trình độ thành đạt. Họ gọi Đ.Đ.C.G. là “hội của các bậc tuệ trí có tổ chức và được khai ngộ” — được khai ngộ bởi tình thương và sự thông hiểu, bởi lòng từ ái sâu xa bao trùm vạn loại, được khai ngộ bởi một sự hiểu biết Thiên cơ và nhằm thấu rõ được Thiên ý, hy sinh sự tiến bộ ngay trước mắt của riêng mình để trợ giúp nhân loại. Đó là một vị Chân sư.
Điểm thứ nhì tôi muốn đưa ra dưới hình thức một câu hỏi. Có điều tai hại gì xảy ra hay chăng, khi người ta cáo buộc một vị Chân sư và gán cho Ngài thế này thế nọ, miễn sao các thành tích của Ngài đủ chứng minh giá trị của lời cáo buộc, và ảnh hưởng của Ngài lan rộng khắp thế giới? Nếu do việc vô tình sơ sót này mà A.A.B. đã vì đó cho thấy rằng tôi là một vị Chân sư thì có gì tai hại hay không? Những cuốn sách, mang ảnh hưởng của tôi, đã đến mọi chân trời góc bể, đem lại sự giúp đỡ. Công tác phụng sự mà tôi gợi ý, được F.B. tình nguyện thực hiện, thực sự đã đến với hàng triệu người qua sách báo và đài phát thanh, qua việc sử dụng Đại Thỉnh Nguyện, qua công tác Triangles, qua những lời lẽ và gương tốt của những người nam, nữ thiện chí.
Qua 25 năm làm việc cho tôi trong lĩnh vực huyền môn, A.A.B. không hề lợi dụng sự kiện thực rằng tôi là một Chân sư, ngày nay đang được hàng ngàn người nhận biết. Bà đã không ẩn núp sau lưng tôi hoặc Chân sư bà, và khiến cho chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho những gì bà đã làm, hoặc bà đã bắt đầu công việc hay tiến hành dựa trên căn bản “Chân sư ra lệnh điều này.” Bà biết rằng công việc của Chân sư là để cho người đệ tử tiếp xúc với Thiên cơ, rồi người đệ tử đi ra ngoài đời, với mức độ minh triết, tình thương và năng lực của chính mình, y cố gắng một cách thông minh để gánh vác phần chia sẻ của mình trong việc thực hiện Thiên cơ. Y phạm sai lầm nhưng không đến nhờ Chân sư giúp đỡ mà trả giá cho bài học đó và học bài học của mình. Y thành công, nhưng không đến với Chân sư để được khen ngợi, vì biết mình sẽ không nhận lời khen đó. Y phấn đấu với bệnh tật, với những ganh tỵ và chống đối của những người làm việc kém hiệu quả hơn hoặc sợ cạnh tranh, nhưng y không đến Chân sư xin giúp sức để đứng vững. Y cố gắng tiến bước trong ánh sáng của chính linh hồn mình và dựa vào sức mạnh của Sự Sông tinh thần nơi chính mình; và bằng cách đó y học trở thành Chân sư qua thông hiểu và chế ngự mọi sự.
Điểm thứ ba tôi muốn các bạn quan tâm là trong chu kỳ mới sẽ đến khi thế chiến chấm dứt, phải làm sao cho công chúng ngày càng chú ý nhiều hơn đến sự kiện thật về Đ.Đ.C.G. và công việc của các Chân sư, thông qua đệ tử các Ngài. Những người đệ tử ở khắp nơi sẽ trình bày ngày càng nhiều hơn về kế hoạch của Đ.Đ.C.G. nhằm gầy dựng tình huynh đệ, cuộc sống tinh thần và sự thông hiểu bao dung cho thế giới. Công việc này sẽ không được thực hiện theo lối (vẫn thường thấy trong những người khờ dại) họ bảo rằng “Chân sư đã chọn tôi”, hoặc “Chân sư đang ủng hộ nỗ lực của tôi”, hoặc “Tôi là đại diện của Đ.Đ.C.G.”; nhưng công việc này được thực hiện bằng một cuộc đời phụng sự, bằng cách nêu rõ rằng các Chân sư vẫn hằng hiện diện và nhiều người ở khắp nơi đã biết được các Ngài; bằng cách nêu rõ rằng Thiên cơ là một kế hoạch phát triển tiến hóa và giáo dục tiến bộ hướng đến mục tiêu thông tuệ tinh thần; nêu rõ rằng nhân loại không phải cô đơn một mình mà còn có Đ.Đ.C.G. đứng cận kề, Đức Christ vẫn ở với dân Ngài, và thế giới đang có rất nhiều đệ tử huyền môn nhưng họ làm việc trong im lặng nên ít ai nhận biết; nêu rõ rằng Đ.N.M.P.S.T.G. đang hiện diện và những người nam, nữ thiện chí có mặt ở khắp nơi; nêu rõ rằng các Chân sư không hề quan tâm đến các chỉ trích cá nhân mà sử dụng những người nam, nữ với tất cả các lề lối suy tư, tín ngưỡng, quốc tịch, miễn sao động cơ thúc đẩy họ là tình thương, miễn sao họ có trí tuệ điêu luyện, thông minh, cũng như có ảnh hưởng chói ngời từ lực, để hấp dẫn mọi người đến với chân lý và điều thiện chứ không phải với cá nhân — dù đó là một vị Chân sư hay một người đệ tử. Các Ngài không bận tâm gì đến lòng trung thành với cá nhân mà chỉ hiện mình để nâng nhẹ nỗi khổ đau, để nâng cao cuộc tiến hóa của nhân loại và chỉ rõ các mục đích tinh thần. Các Ngài không tìm cách khiến cho công việc của các Ngài được người đương thời ngợi khen, thừa nhận, mà chỉ tìm cách tăng cường ánh sáng trên thế giới và khai mở tâm thức con người.
Tháng Tám, 1943.
1 . Ghi chú: Sau đó, Chân sư Tây Tạng và A.A.B. đã quyết định cho ra các Qui luật này thành một cuốn riêng. Bởi vậy, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ xuất hiện dưới hình thức tập V của bộ “Luận về Bảy Cung” – Foster Bailey (F.B.)
Trân Châu dịch