Nhân mùa Vu Lan nghĩ về lòng biết ơn


Chia sẻ:

 

Biết ơn những người đã giúp đỡ, cưu mang, hay giáo dục, dạy dỗ mình là một truyền thống tốt đẹp hằng ngàn năm nay của người Phương Đông, nhất là các quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của Triết lý Khổng giáo. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”–“một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” — là câu châm ngôn từng ăn sâu vào tâm thức của bao nhiêu thế hệ người Việt. Cách đây vài ba chục năm, trẻ con khi gặp người lớn phải khoanh hai tay trước mặt, gập người chào lễ phép… Tiếc thay, những truyền thống đó đã gần như mai một dần. Lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, ông bà không còn nữa, thay vào đó là những chuyện phi đạo lý xảy ra hằng ngày trên mặt báo chí, những chuyện tưởng chừng như chỉ có thể xảy ra trong thế giới của loài vật lại nhan nhản hiển hiện trong đời sống hiện nay. Lỗi của ai?

Đối với các bậc Thánh nhân, các Chân sư, các Ngài còn coi trọng ơn nghĩa hơn người thường gấp nhiều lần. Nhiều người thắc mắc Ông A.P. Sinnett chưa phải là đệ tử, cũng không có có gì đặc biệt, thế sao Chân sư K.H lại chịu mất thì giờ vô cùng quí báu của Ngài để viết cho Ông hằng trăm bức thư (sau nầy được sưu tập lại thành một quyển sách dày The Mahatma’s letters to Sinnett). Trong thư của Chân sư K.H gởi cho Ông Sinnett (thư số 2 ngày 19 tháng 10 năm 1880) có một câu có thể giải thích cho điều đó “lòng vô ơn không nằm trong các thói xấu của chúng tôi”–Ingratitude is not among our vices…– Ông C.W. Leadbeater trong quyển How Theosophy came to me có kể lại câu chuyện có thể giải thích điều nầy. Chân sư K.H trong một kiếp sống trước ở Ai Cập đã chịu ơn Ông Sinnett giúp đỡ Ngài khi Ngài bị giam cầm như một tù nhân, và lòng biết ơn đó cho đến tận kiếp hiện tại Ngài vẫn không quên. Nhiều người chỉ trích nhãn thông của Ông Leadbeater là lower psychic, astralism… nhưng chính nhờ Ông ta mới biết được các tiền kiếp của đức K.H là đức Pythagore ở Hi Lạp, Nagarjuna ở Ấn độ, ở Ai Cập… cũng như đức D.K trước đây là Kleinias ở Hi Lạp, Arya Asanga ở Ấn độ…

qv12

Hình ảnh trẻ em lễ phép chào cha mẹ, thầy cô như thế nầy giờ chỉ còn trong ký ức của những người học Quốc Văn Giáo Khoa thư

Trẻ con ngày nay được giáo dục những điều thật cao siêu: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu nhân loại… những điều nầy thật đúng đắn và cao cả biết bao, nhưng cái gần gũi và thiết thực nhất  đối với trẻ con là yêu cha mẹ, yêu ông bà không được nhắc đến, thành ra giống như cây mất gốc, thiếu đi cội rễ vững chắc để làm nền tảng… Do đó, khi thiền sư Nhất Hạnh viết quyển sách nhỏ Bông hồng cài áo làm rung động bao nhiêu trái tim ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới*, điều đó quí giá vô cùng. Nó giá trị hơn ngàn bài học về đạo đức hay chính trị khô cằn. Và như thế bạn có thể hiểu một bậc chứng đạo là những người có thể tác động, ảnh hưởng đến những người xung quanh ra sao…

Chỉ tiếc một điều, những quyển sách của Thiền sư Nhất Hạnh như thế một thời gian dài bị ngăn cấm vì lí do nào đó, và lớp trẻ không có cơ hội tiếp cận và học hỏi những đạo lý làm người, thay vào đó là quá dễ dàng để tiếp xúc với cái xấu, cái giả trá. Hỏi sao xã hội ngày không suy đồi thêm?

Chúng ta hãy nuôi dưỡng lại lòng biết ơn, từ những người gần gũi nhất với ta: ông bà, cha mẹ, anh chị em, rồi đến những người xung quanh ta. Trong một bài dạy về thiền, thiền sư Nhất Hạnh có nhắc đến việc quán tưởng và chánh niệm trong mọi hành động trong đời sống như ăn cơm, ngủ nghỉ, … khi ăn cơm ta quán tưởng đến những người nông dân cực khổ đã làm ra hạt gạo cho ta ăn. Lần lần ta sẽ vun bồi lòng từ bi, lòng nhân ái… Tất cả đi từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.

Nhân mùa Vu Lan, chúng ta hãy đọc lại và suy gẫm về Bông hồng cài áo và cùng nhau vun trồng lòng biết ơn…

* Tác phẩm Bông hồng cài áo đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào – Xem thêm http://www.thegioiphatgiao.vn/vanhoa/phatgiao-vanhoa/tro-chuyen-voi-thien-su-nhat-hanh-quanh-bai-bong-hong-cai-ao#sthash.exChv2Fo.dpuf

3703 — Tổng số lần đọc 4 — Hôm nay

Chia sẻ: