Chia sẻ:
Có bạn đọc bài “các Trường Tham Thiền Nội Môn trong tương lai” đã đặt câu hỏi: “Đã có trường nào như vậy chưa trên thế giới hiện nay?” Có lẽ chúng ta không ngần ngại để trả lời rằng những trường đúng như Đức DK mô tả còn rất lâu mới xuất hiện trên thế gian. Nhưng đây đó đã xuất hiện những Trường cố gắng đi theo kế hoạch mà Đức DK đã vạch ra cho nhân loại. Ngài cũng nói rõ: Ngài chỉ vạch ra viễn cảnh hay cái lý tưởng trong tương lai mà con người nhắm tới, chứ không đề cập đến những gì có thể thực hiện trước mắt, dù rằng từ khi Ngài viết những bức thư này là những năm đầu của thế kỷ 20, cách nay đã gần 100 năm. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch của Thánh đoàn đôi khi thời gian không thể tính bằng năm, chục năm, mà có thể bằng thế kỷ. Các Ngài nhìn sự việc với nhãn quan của bậc Siêu nhân, trong đó những khoảnh khắc của cuộc sống phàm ngã chỉ là một ngày thoáng qua trong kiếp sống của linh hồn.
Tôi cũng nêu ra những tiên đoán phần nào các việc xảy ra sau này, chứ không nói về những gì mà chúng ta có thể đạt được bằng cách nào đó vào lúc này. Luôn luôn cần phải có những lý tưởng cao cả và bao giờ trí tuệ con người cũng phóng tới trước hướng đến một mục tiêu đã chọn. Nếu ở đây tôi phác họa ra những gì xem chừng là những điều viễn vông bất khả thi đó chỉ vì tôi muốn nêu lên một lý tưởng và đặt trước nhân loại một mục tiêu đáng cho họ nỗ lực cao nhất
Sau đây là một số điều bổ ích mà chúng ta học được từ chương “Những trường Tham Thiền trong tương lai”:
1. Những gì Ngài nói liên quan đến những trường Tham Thiền Nội Môn có xuất xứ từ kế hoạch của Thánh Đoàn, do một đệ tử hoặc Chân Sư chủ trì thực hiện. Ngài không đề cập đến vô số các trường gọi là huyền bí đầy rẫy hiện nay. Ta lưu ý câu nói sau của Ngài: Thánh đoàn chuẩn bị cho các công việc của mình một thời gian rất lâu trước khi công việc thực sự phát triển. Và các trường đó chỉ thiết lập ở những nơi có từ điển mạnh, phù hợp với việc huấn luyện huyền môn. Thánh đoàn đã chuẩn bị cho việc này nằng các linh vật (talisman) được từ điển hoá chôn giữ tại đó từ rất lâu. Ngoài ra, một điều kiện khác là chỉ khi Nhân thể (Causal Body) của một quốc gia đã đạt đến một mức độ rung động nhất định thì mới khả dĩ thiết lập Trường Huyền Môn tại đó. Nhiều bạn ngạc nhiên khi lần đầu nghe Ngài nói các quốc gia cũng có Phàm ngã, Nhân Thể (hay thể Linh Hồn) … Vâng, đúng thế. Mỗi Quốc gia cũng là một thực thể bao gồm nhiều cá nhân của quốc gia đó, nhân thể quốc gia do các nhân thể cá nhân tổng hợp lại. Quốc gia cũng có cung (Ray) của Chân ngã, Phàm ngã riêng của mình. Và chỉ khi Quốc gia tiến hoá đủ cao để Nhân thể của quốc gia đạt đến độ rung dộng thích ứng thì mới khả dĩ lập trường huyền môn tại đó.
Trước hết, cần lưu ý rằng không phải mọi nước trên thế giới đều có trường huyền môn. Chỉ khi thể nguyên nhân của tập thể toàn quốc gia đó đạt đến một mức độ rung động nhất định thì mới có thể lập ra các trường này. Chỉ khi công cuộc giáo dục của quốc gia đó được nâng cao đến trình độ nhất định mới có thể sử dụng trí năng của cả nước làm bàn đạp để mở mang rộng lớn hơn và dùng nó làm căn bản để phát triển trường huyền môn. Và cũng dáng ngạc nhiên là chỉ những quốc gia nào nguyên đã có trường huấn luyện các bí nhiệm (ngoại trừ ba nước) mới có lại những trường tham thiền ở quốc gia họ, trong những giai đoạn đầu tiên. Những nước ngoại lệ là:—
- Anh Quốc.
- Canada và Hoa Kỳ.
- Úc.
Ngay cả trong ba ngoại lệ này cũng xem như chỉ có một (trường hợp của Úc), vì hai trường hợp kia đã có những cơ sở huyền môn trong thời Atlantis, khi họ còn là một phần đất của châu lục này. Theo đà quay của bánh xe tiến hóa, quả đất tự nó cũng tái sinh. Những nơi đã qua thời kỳ ngơi nghỉ và đang đi vào cuộc biểu hiện vẫn còn giữ trong chúng những hạt giống để cuối cùng khi gặp sự rung động tương đồng sẽ làm tái hiện những cách phát biểu và những hình thể tương tự.
Sau này, khi những Trường Huyền môn được thành lập, các bạn sẽ thấy chúng tọa lạc ở những nơi còn vấn vương từ lực của thời xưa. Hoặc những nơi mà trong vài trường hợp [307] Thiên đoàn có trấn những linh phù cổ xưa, cũng nhằm mục đích này.
2. Các bạn hỏi làm sao phân biệt Trường Nội Môn do Thánh đoàn khởi xướng và các trường bình thường khác? Ngài hướng dẫn cho ta nhiều điểm để phân biệt. Các Trường đó khác biệt với những trường khác bởi các điểm sau:
(a) Bởi sự chú trọng vào việc lập hạnh và phát triển tinh thần, lấy đó làm nền tảng cho sự phát triển tất cả những khả [304] năng ẩn tàng trong tiểu vũ trụ.
(b) Bởi sự đòi hỏi tất cả các môn sinh liên hệ (không ngoại lệ) phải có cuộc sống khai mở và phát triển nội tâm song hành với cuộc sống phụng sự bên ngoài.
(c) Bởi những bước tuần tự mở mang tâm thức là kết quả của cuộc rèn luyện được chỉ dạy. Sự mở mang này đưa hành giả từng bước tiến lên đến mức tiếp xúc được với chân ngã y, với Chân sư y, với nhóm chân ngã của y, với Đấng Điểm đạo Đầu tiên, với Đấng Điểm đạo Tối cao, cho đến khi tiếp xúc với Đấng Chủ tể của Cung y và nhập vào lòng “Cha của y ở trên Trời.”
Đó là những đặc điểm nổi bật của Trường tham thiền thực sự cơ bản và duy nhất.
Trong ba điểm mà Ngài nêu ở trên, điểm đầu tiên là trường phải tập trung vào việc lập hạnh của người học viên. Phát triển quyền năng phải song hành cùng với đức hạnh.
Thứ hai là người học viên phải hướng về phụng sự nhân loại song song với phát triển bản thân mình. Đây là điểm mà người tầm đạo sơ cơ hay mắc phải, họ quan tâm qua mức đến sự tiến hoá của bản thân mà quên mất mục đích tối hậu của việc tu luyện là phụng sự nhân loại một cách vô kỷ. Chăm chăm quan tâm đến sự tiến hoá bản thân cũng là một hình thức ích kỷ–ích kỷ một cách tinh vi.
Thứ ba mục tiêu của việc phát triển bản thân là từng bước mở mang tâm thức của mình để tiếp xúc với bản ngã rộng lớn hơn: trước tiên là với linh hồn của mình, sau đến Chân sư của y, với nhóm Chân Ngã của y, với Đấng Điểm đạo Đầu tiên, với Đấng Điểm đạo Tối cao, cho đến khi tiếp xúc với Đấng Chủ tể của Cung y và nhập vào lòng “Cha của y ở trên Trời.
Điều này khác với cac trường chuyên dạy khai mở thần thông bậc thấp: xuất vía, nhãn thông, soi tiền kiếp … nhất là khi những việc trên đây lại liên quan đến tiền bạc. Có lẽ chưa bao giờ các trường dạy các môn trên lại hấp dẫn quần chúng đến thế, và nhiều người cứ ngỡ rằng việc soi lại tiền kiếp của một người cũng dễ dàng như các nhà ngoại cảm nhan nhãn tuyên bố.
Một tuyên bố khác của Ngài khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch của các trường Huyền Môn như sau:
Sẽ không có học phí hoặc đòi hỏi hay thương lượng về tiền bạc. Người môn sinh phải phần nào tự túc, và phải có phương tiện sinh sống trong khi lưu học. Các trường ở cả hai cấp sẽ được tài trợ nhờ sự tự nguyện đóng góp của mọi người, và nhờ sự hiểu biết các định luật cung và cầu diễn giải theo ý nghĩa huyền môn.
Đây là phép thử đầu tiên giữa một trường chính hiệu và một trường giả hiệu. Chúng ta đã chứng kiến các tổ chức tôn giáo, tu viện, tu sĩ giàu có đến mức nào. Nó khác xa với tôn chỉ mà các vị Giáo chủ và các Huấn sư Nhân loại đề ra.
Sau hết, ta thấy Ngài nói rằng các nhà Huyền bí học (occultist) đều tự học, và phương pháp huấn luyện huyền môn không như phương pháp của đời thường là giải thích cặn kẽ mọi điều cho người học. Người học phải đạt đến tri thức bằng nỗ lực tự thân thông vận động thông qua tham thiền để phát triển trực giác, và vị Thầy sau đó mới xác nhận những gì mà y đạt đến.
Trong cả hai trường, giáo huấn căn bản là tham thiền ở tất cả mọi cấp độ. Tại sao? Bởi vì ở các thiền viện huyền môn người ta không bao giờ đưa ra những kiến thức, những hướng dẫn rõ ràng, hay một khối toàn thể các sự kiện, hoặc sử dụng các phương pháp trong sách giáo khoa công truyền. Tất cả mục tiêu là chỉ nhằm khiến người môn sinh tự [313] tìm ra cho mình những kiến thức cần thiết. Bằng cách nào? Bằng cách phát triển trực giác qua tham thiền, và bằng cách đạt được sự kiểm soát trí tuệ khiến cho minh triết của Tam nguyên có thể tuôn xuống não bộ hồng trần, qua thể nguyên nhân
Đấy là một số suy nghĩ mà chúng ta có thể học hỏi được từ bài viết kể trên của Chân sư DK.
Chia sẻ: