Học và thực hành Phật Pháp đúng cách = Phát Nhiệm mầu

Luận Về Phật Học - Tu Hành Khác

CÂY ĐÈN KỲ LẠ
(Bà lão nghèo đức độ, chí thành và phát đại nguyện khi cúng dường Phật_Nhiệm mầu không thể nghĩ bàn)

Sau lễ tiễn đưa Phật và các thầy Tỳ kheo trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, vua A Xà Thế cùng với đình thần trở lại nội cung để dự buổi yến thân mật và bàn một vài việc cần làm thêm trong ngày đại lễ hôm ấy:

Câu chuyện mở đầu trong bữa tiệc là những lời sau đây do vua A Xà Thế phát khởi.

– Các khanh! Quả nhân rất bằng lòng và thỏa mãn về việc các khanh đã lo liệu quá ư tươm tất trong buổi lễ cúng dường Phật và giáo hội vừa rồi.

Hướng đôi mắt về phía đại thần Kỳ Bà, Vua A Xà Thế nói tiếp:

Kỳ Bà! Khanh nghĩ hộ quả nhân xem còn có việc gì đáng làm nữa để quả nhân tận hiến tấc dạ chí thành lên đức Chí Tôn và giáo hội – những người tận tụy trong công việc giáo hóa chúng sanh nói chung, thần dân của quả nhân nói riêng, trở về với ánh sáng chân lý.

Đứng dậy ngẫm nghĩ trong chốc lát, rồi đại thần Kỳ Bà thong thả tiếp:

– Tâu đại vương, ngoài sự cúng dường trai phạn và y phục mà Đại vương đã dâng lên đức Chí Tôn và giáo hội, theo thiển ý của hạ thần thì không việc gì có ý nghĩa hơn việc cúng dường ánh sáng. Vì ánh sáng trượng trưng cho trí tuệ, cho sự giác ngộ; ở đâu có ánh sáng thì ở đó bóng tối tan mất. Cũng như ánh sáng Phật và giáo hội đến đâu thì ở đó si ám và tội lỗi đều tiêu sạch. Ngu ý của hạ thần chỉ có bấy nhiêu, kính mong bệ hạ thẩm xét.

– Hay lắm! Ý kiến của khanh rất chí lý! Tiện đây nhờ khanh thay quả nhân sắm sửa cho thật nhiều đèn đuốc để tối hôm nay dâng lên Phật và giáo hội tại tịnh xá Kỳ Hoàn.

Đại thần Kỳ Bà vâng thuận. Buổi tiệc bắt đầu và tiếp diễn trong tình thân mật giữa nhà vua và các vị cận thần.

Chiều hôm ấy, trên đường trở về xóm nghèo, một bà lão hành khất gặp rất nhiều xe cộ, lính tráng, tấp nập khuân chở những thùng dầu, đèn và cả những chiếc lồng đèn ngũ sắc rực rỡ.

Hỏi thăm, bà lão hành khất biết đó là lễ vật của nhà vua đem cúng dường Phật và giáo hội.

Hình tướng trang nghiêm của Phật và các thầy Tỳ kheo lại hiện về trong óc bà. Bà vui hẳn lên và rất tán thành việc làm có ý nghĩa của nhà vua. Và xét lại tự thân, thấy mình chưa làm được một công đức nào đối với Phật và giáo hội, bà tự nghĩ phải sắm phẩm vật để cúng dường mới được. Thò tay vào bị, bà lão moi ra vỏn vẹn chỉ có hai tiền. Một sự quyết định nhanh chóng trong lòng khiến bà hoan hỷ đi ngay vào một cái quán gần đấy…

– Thưa cậu! Làm ơn bán cho tôi hai tiền dầu thắp.

– Bà mà mua dầu làm gì? Sao không mua đồ ăn lại mua dầu, nhà cửa đâu mà dầu với đèn!

– Thưa cậu! Tôi thường nghe các bậc hiền đức trong làng bảo: “Ngàn năm muôn thuở mới có một đức Phật ra đời; người nào có nhiều phước duyên lắm mới được gặp”. Hôm nay tôi may mắn được gặp nhưng chưa có lễ mọn nào để dâng hiến lên Ngài. Điều ấy làm tôi vô cùng ân hận. Nhân tiện vua A Xà Thế sửa soạn đèn đuốc để dâng lên Ngài và giáo hội, tuy nghèo khổ, tôi cũng xin nguyện đem hai tiền mới xin được đây mua dầu dâng ánh sáng lên Ngài.

Nghe bà lão hành khuất tỏ tấm lòng chân thiệt đối với Đấng Giác ngộ, người chủ quán nhìn bà một cách cảm mến và hạ giọng: Hai tiền chỉ được hai muỗng, nhưng tôi xin tặng bà ba muỗng nữa là năm, và cho bà mượn luôn vịt đèn này. Mong bà nhận cho.

Sau khi cám ơn người chủ quán, bà lão ra về với bao niềm hoan hỷ vì được người khác biểu đồng tình và giúp mình trong công việc phước thiện.

Trời chưa tối hẳn, những cây đèn xinh xắn, lộng lẫy của nhà vua đã được những đội thị vệ thắp sáng. Tịnh xá Kỳ Hoàn như vui nhộn hẳn lên. Đó đây vang lừng những điệu nhạc dịu dàng, nhịp nhàng với lới ca ngợi của những cận thần thay nhà vua tán thán công đức của Phật và giáo hội. Từng đoàn người lũ lượt đi dự lễ, đông như trẩy hội. Bà lão hành khất cũng tiến mau về phía Tịnh xá và dừng bước trước những hoa đăng rực rỡ, bà vội vàng đến rót dầu vào cây đèn mà bà đã lau sạch và thay tim. Vừa mồi ánh sáng bà vừa phát nguyện: Cúng dường ánh sáng này lên Đức Thế Tôn và giáo hội, con chỉ cầu mong làm sao con cũng sẽ được trí tuệ sáng suốt như các Đấng Giác ngộ trong mười phương”. Bà lại nghĩ: “Dầu ít như vầy có sáng cũng chỉ đến nữa đêm là cùng”. Nhưng mạnh dạn bà thầm nguyện: “Nếu quả thật sau này tôi sẽ được giác ngộ như lòng tôi mong muốn hôm nay, thì số dầu ít ỏi này cũng làm cho cây đèn này sáng mãi không tắt”.

Sau khi treo cây đèn trên một cành cây, bà lão hành khất đi thẳng vào tịnh xá, chí thành lễ Phật rồi ra về…

Số đèn của nhà vua, tuy được những đội lính thay nhau lo việc châm dầu, thay tim, nhưng ít cây được sáng suốt đêm, cây thì bị gió thổi tắt, cây thì bị phật cháy…

Duy cây đèn của bà lão hành khất thì ánh sáng nổi bậc hơn muôn vạn cây đèn khác và cháy mãi đến sáng mà dầu vẫn không hao.

“Này đệ tử! Trời đã sáng, hãy ra tắt hết những cây đèn còn đỏ”, Đức Phật dạy với Ngài Mục Kiền Liên như thế.

Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật. Nhưng đến cây đèn của Bà lão hành khất, thì ba lần Tôn giả quạt mạnh, nhưng ánh sáng cũng không mất. Lần thứ tư, Tôn giả cầm ngay vạt áo cà sa và vận hết thần thông diệu lực của mình quạt hắt vào đèn nhưng đèn lại rực sáng hơn trước. Tôn giả Mục Kiền Liên và những người chung quanh đều ngạc nhiên và cho đó là một cây đèn kỳ lạ chưa từng thấy.

Ngay lúc ấy, Đức Phật vừa đến, Ngài điềm đạm bảo:

“Thôi! Đệ tử hãy thôi. Dù cho đệ tử có tận dụng tất cả thần lực của đệ tử cũng không thể nào làm tắt được cây đèn này; vì đó là ánh sáng công đức của vị Phật trong tương lai”.

Lời dạy ấy của Đức Phật đã làm cho nhiều đệ tử của Ngài muốn tìm hiểu ai là người đã cúng dường đèn ấy. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, họ biết rõ người cúng dường cây đèn kỳ lạ ấy chính là một bà lão hành khất!

Câu chuyện này đến tai vua A Xà Thế. Nhà vua cho vời đại thần Kỳ Bà đến để thuật lại câu chuyện và hỏi:

– Kỳ Bà! Như khanh đã biết quả nhân làm rất nhiều công đứccúng dường rất nhiều đèn nhưng không thấy Đức Thế Tôn dạy gì về quả báo của quả nhân. Trái lại, bà lão hành khất chỉ cúng dường có một cây đèn lại được Ngài thọ ký là nghĩa làm sao?

Đại thần Kỳ Bà đứng lên ngần ngại mãi không dám trả lời.

– Kỳ Bà! Ngươi đừng ngại gì cả, quả nhân muốn tìm hiểu những nguyên khuyết điểm chứ không bao giờ dám nghĩ khác về Đức Thế Tôn.

Đôi mắt của đại thần Kỳ Bà bỗng sáng lên và khiêm tốn trả lời câu hỏi của nhà vua:

– Tâu đại vương! Theo những điều mà hạ thần được phỏng văn từ cửa miệng của những người thân cận các thầy Tỳ kheo và cộng thêm sự suy luận của hạ thần thì tuy đại vương cúng dường rất nhiều phẩm vật, song tâm ý không được chí thành cho lắm và có lẽ đại vương không phát đại nguyện; cho nên tuy có công đức mà không làm sao bằng công đức của bà lão hành khất chỉ cúng dường một cây đèn nhưng đó là cả một tấm lòng chí thiết, một dạ chí thành đối với những Đấng Giác ngộ và nhất là lời thệ nguyện cao rộng của bà ấy.

Nghe đại thần Kỳ Bà phân tích tỷ mỉ về động cơ của sự cúng dường của mình và bà lão hành khất, sau một hồi suy nghĩ và xét lại bản tâm, vua A Xà Thế liền cởi mở được tất cả những điều thắc mắc…

Thiện Châu

Công đức cúng dường không đánh giá nơi phẩm vật, mà căn cứ nơi sự thành tâm”.

TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
Thích Minh Chiếu Sưu Tập
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1992-1994

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, văn bản
Nguồn: Sưu tầm theo Facebook

SÂN HẬN TÀN PHÁ DUNG NHAN

Bỏ phẫn nộ, ly mạn …

Câu chuyện này được kể lại khi đức Phật ở tại rừng Banyan, liên quan đến Rohinì, thiếu nữ Sát-lợi.

1A. Cô Gái Bị Mụn Ðỏ Trên Mặt

Một thuở nọ, Tôn giả A-nậu-lâu-đà trở về thành Ca-tỳ-la-vệ với năm trăm Tỳ-kheo tùy tùng. Hoàng tộc họ Thích nghe tin đều đến tinh xá đón chào, trừ cô em Rohinì. Tôn giả hỏi:

– Rohinì đâu?

– Thưa Tôn giả, còn ở nhà.

– Sao không đến?

– Thưa Tôn giả, công nương bị nổi mụn nhọt đầy người, nên xấu hổ khi đi ra ngoài.

– Hãy gọi Rohinì đến ngay.

Rohinì được gọi, che mặt dưới một lớp vải và đi đến. Khi nàng tới, Tôn giả hỏi:

– Sao cô không đến trước?

– Thưa Tôn giả con bị nổi mụn trên mặt, nên xấu hổ không dám đi đâu.

– Vậy sao không làm việc công đức?

– Thưa Tôn giả, con có thể làm gì?

– Hãy xây cất một giảng đường.

– Việc ấy tốn kém bao nhiêu?

– Cô có một bộ nữ trang nào không?

– Thưa, con có.

– Trị giá bao nhiêu?

– Khoảng mười ngàn.

– Tốt lắm, đem chi dùng trong việc xây cất.

– Ai sẽ xây cất cho con?

Tôn giả nhìn những hoàng thân đang đứng gần và nói:

– Ðây là bổn phận các vị.

– Nhưng, bạch Tôn giả, còn Ngài sẽ làm gì?

– Tôi ở đây, các vị đem vật liệu xây cất đến cho Rohinì.

– Thưa, vâng.

Và họ mang vật liệu đến, Tôn giả đưa ra đồ án xây cất, bảo Rohinì:

– Hãy cho xây cất một tòa nhà hai tầng, và khi tầng trên đã xong xuôi, cô đứng ở tầng dưới dọn quét sạch sẽ, chuẩn bị thức ăn và rót nước đầy các bình.

– Thưa, vâng.

Rohinì vâng lời, nàng bán toàn bộ nữ trang để lấy tiền xây cất. Khi tầng trên vừa xong, nàng đích thân dọn dẹp để đón chư Tỳ-kheo, ngay khi đó các mụt nhọt lặn hết.

Khi tòa nhà hoàn thành, nàng mời chư Tăng được đức Phật dẫn đầu đến ngồi đầy nhà. Nàng dâng cúng thức ăn chọn lọc cả cứng và mềm. Phật thọ trai xong, hỏi:

– Ai cúng dường hôm nay?

– Thưa, cô Rohinì, em của Ngài, bạch Thế Tôn.

– Hãy gọi đến đây.

Nàng không muốn đi ra, nhưng Phật vẫn cho gọi nữa. Khi Rohinì đến, đảnh lễ Phật và ngồi, Phật hỏi:

– Rohinì, sao cô không đến trước?

– Bạch Thế Tôn, con bị nổi mụn nhọt khắp người nên xấu hổ không dám đi.

– Cô có biết nguyên nhân nào khiến mụn nhọt lan đầy người không?

– Thưa không.

– Chính vì lòng sân hận gây nên.

– Tại sao vậy, con đã làm gì?

– Hãy nghe đây!

Phật kể chuyện:

1B. Bà Hoàng Ganh Tỵ Với Nữ Vũ Công

Thời quá khứ, có một hoàng hậu của vương quốc Ba-la-nại sanh tâm đố kỵ với một vũ nữ của hoàng gia, bà thầm nghĩ: “Ta sẽ làm cho nó đau khổ”. Bà liền tìm thật nhiều mày ghẻ đã khô, nghiền nát thành bột và cho gọi cô vũ nữ đến chỗ bà, bí mật sai người rắc bột ghẻ lên giường, ghế và khăn áo của cô. Rồi làm như đùa cợt, bà tung một ít bột lên mình cô. Lập tức cô gái nổi mụn nhọt khắp mình, nó lở loét trông rất ghê tởm, cô vừa đi vừa cấu khắp mình. Khi về nằm trên giường, bột ghẻ lại dính chặt vào da, cô bị đau đớn đến tột cùng. Bà hoàng ấy là Rohinì ngày nay.

Phật kể xong chuyện quá khứ, Ngài dạy:

– Rohinì, đó là hạt giống xấu mà cô đã gieo. Giận hờn hay ganh ghét, tuy ít bao nhiêu cũng không phải là điều chánh đáng.

Ngài nói kệ:

(221) Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc,
Khổ không theo, vô sân.

Nghe xong, nhiều thính chúng chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả. Rohinì cũng chứng Sơ quả. Ngay khi ấy toàn thân cô trở nên vàng óng.

1C. Thiên Nữ Xinh Ðẹp

Rohinì sau khi mạng chung, tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba ngay giao điểm các ranh giới của bốn thiên tử.

Cô gái đẹp đến nỗi sau khi nhìn thấy cô, cả bốn vị trời đều tranh nhau:

– Nàng thuộc về ranh giới của ta.

– Nàng tái sanh trong phạm vi của ta.

Họ kéo nhau đến chỗ Ðế Thích nhờ phân xử:

– Thiên chủ! Chúng tôi tranh cãi nhau về thiên nữ này, xin quyết định dùm.

Vừa nhìn thấy Rohinì, Ðế Thích cũng ước ao. Ngài hỏi:

– Khi các ông nhìn thấy nàng, cảm tưởng của các ông ra sao?

Vị thứ nhất nói:

– Tim tôi đập vang dội như trống chầu.

Vị thứ hai nói:

– Ý tưởng của tôi dồn dập như thác chảy.

Vị thứ ba nói:

– Vừa thấy nàng mắt tôi muốn nổ tung.

Vị thứ tư nói:

– Tim tôi hớn hở như lá cờ bay.

Ðế Thích kết luận:

Các vị vui thích nhất thời, còn tôi nếu không có nàng tôi sẽ chết.

– Ồ thiên chủ! Ngài cần gì phải chết!

Họ trao nàng cho Ðế Thích và lui về. Từ lúc ấy nàng rất được Ðế Thích sủng ái, nàng muốn dạo chơi nơi nào Ðế Thích liền chiều theo.

Theo: Tích truyện Pháp Cú
Thiền viện Viên Chiếu
Nguyên tác: “Buddhist Legends”, Eugene Watson Burlingame

Trong hình ảnh có thể có: 5 người
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Nguồn: https://www.facebook.com/duythuc.ht/posts/1744381082249861

MỘT NGƯỜI NẾU MUỐN PHÁT ĐƯỢC
TÀI LỘC THÌ CẦN PHẢI HỘI ĐỦ 2 ĐIỀU KIỆN.

Tôi nhớ có một lần tôi được mời đến trường học tham gia buổi lễ khai mạc nhân dịp khánh thành toà lầu thương nghiệp, trong buổi lễ nhà trường có mời một vị giáo thọ người mỹ rất nổi tiếng đến diễn giảng cho sinh viên nghe. Sau khi tôi nghe rồi thì liền có cảm khái rất sâu sắc. Lúc đó hiệu trưởng đang ngồi bên cạnh tôi, chúng tôi cũng rất thân quen nhau, tôi liền cảm khái mà nói với hiệu trưởng:

_ ” Giáo trình của học viện thương nghiệp này tôi cũng có thể dạy”.

Ông rất kinh ngạc, tôi lại nói tiếp:

_ ” Ông xem vị giáo thọ này rất nổi tiếng, cả đời của ông ta chuyên nghiên cứu quản lý công thương nghiệp, nhưng ông ấy lại không thể phát tài, cả đời chỉ có thể làm thầy giáo và làm cố vấn cho một số công ty mà thôi. Vậy liệu rằng ông ấy có thể dạy cho các học trò của mình phát tài được hay không?”.

Tiếp theo đó tôi lại nói:

_ ” Một con người chân thật phát được tài thì họ cần phải hội đủ 2 điều kiện cơ bản: Thứ nhất là phải hiểu được phương pháp của việc phát tài, thứ hai là phải có được hạt giống của phát tài. Tại vì sao vị giáo thọ này biết được phương pháp và lý luận của việc quản lý công thương nghiệp, nhưng ông lại không thể phát được tài?”.

Tôi đưa ra một ví dụ: Như ở học viện nông nghiệp, cái học viên học được đó là cách trồng trọt, cách phân tích thổ nhưỡng như ánh sáng, không khí, phân bón, chất lượng đất…Nhưng rất tiếc là họ không có được hạt giống, cho nên dù họ rất rành về phương pháp trồng cây, phương pháp phân tích thổ nhưỡng, thì họ cũng không có cách gì thu hoạch được.

Tôi nói với hiệu trưởng là tôi có hạt giống và tôi cũng biết được phương pháp, nếu tôi đến đây dạy học thì khẳng định những học trò này tương lai sẽ phát được tài. Ông liền cười rộ lên mà hỏi tôi rằng:

_ ” Hạt giống là gì vậy?”.

_ ” Trong Kinh, Phật gọi hạt giống này chính bố thí tài“.

Nếu bạn không chịu bố thí thì đây tức là bạn không có gieo nhân của phát tài, vậy thì tương lai làm sao bạn có thể phát tài được chứ? Trong xã hội ngày nay, chúng ta dễ dàng thấy được có biết bao nhiêu người đang bị đói khát, có biết bao nhiêu người đang chịu giá lạnh, tất cả đều có nguyên nhân của nó, đó là vì trong đời quá khứ họ không có tu bố thí tài, nên đời này họ phải chịu đói khát giá lạnh.

Vậy thì có biện pháp gì để cải thiện hay không? Biện pháp thì có, chỉ cần bạn hiểu được cái đạo lý này, ngay từ bây giờ bạn chân thật chịu làm thì liền có thể cải thiện. Trong đời quá khứ ta không chịu bố thí nên đời này trong tài khố mới trống rỗng, vậy thì nếu bây giờ ta chịu tích lũy tài khố, bồi đắp tài khố thì tương lai tài khố sẽ lại đầy lên. Bồi đắp bằng cách nào vậy? Đó là bố thí, hãy hoan hỷ mà đi bố thí. Không có tiền để bố thí? Vậy với 1 đồng, 2 đồng bạn có không? Chúng ta hãy đem 1 đồng, 2 đồng này thành tâm thành ý mà đi bố thí. Tại sao tôi lại nói bạn phải thành tâm thành ý? Vì thành tâm thành ý chính là tâm chân thành, mà tâm chân thành bao trùm khắp hư không pháp giới, không có bờ mé, vậy thì phước báo bạn nhận lại được đó cũng sẽ vô rộng lớn như hư không mà chính mình lại không hề hay biết.

Nếu bạn chịu đi bố thí, nếu bạn chịu kiên trì miệt mài mà làm, làm trong mấy năm, làm trong mấy chục năm thì tài khố của bạn dần dần sẽ đầy lên, phước báo cuối đời liền hiện tiền. Chúng ta thấy có rất nhiều người lúc trẻ thì nghèo nàn lận đận, đến khi về già thì được an nhàn sung sướng giàu có, cái đạo lý này rất sâu, chỉ cần bạn chịu tin tưởng, chịu chân thật đi làm thì đích thật sẽ có được hiệu quả không thể nghĩ bàn.

A Di Đà Phật! _ Pháp sư Tịnh Không_Xem nguồn tại đây


Chia sẻ:

Trả lời